Vận động nguồn lực, chăm lo tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể để hoạt động nhiệm kỳ 2023 - 2028 thành công.

Thống nhất việc cấp kinh phí cho hoạt động Hội

Chú thích ảnh
Đồng chí Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hải Dương trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đại tá Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hải Dương cho biết, những năm qua, hoạt động của Hội luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội từ thiện. Sự phối hợp đồng hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ về cơ sở vật chất tinh thần chăm sóc giúp đỡ nạn nhân.

Với tinh thần đoàn kết, tích cực, kiên trì, chủ động, sáng tạo, tất cả vì nạn nhân, hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Công tác tổ chức chính sách, công tác tuyên truyền thi đua, vận động nguồn lực, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân... được triển khai tích cực, đồng bộ, đạt được hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác hội còn nhiều bất cập, khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến chất lượng triển khai hoạt động. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về tổ chức hoạt động của Hội ở nhiều nơi còn chưa đầy đủ. Vì vậy, việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Để hoạt động công tác Hội nhiệm kỳ mới hiệu quả hơn, Đại tá Vũ Xuân Thu đề xuất, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin triển khai ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; khi triển khai cần đồng bộ, rõ nhiệm vụ, có chương trình, kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện cho cấp dưới thực hiện, tránh việc chỉ đạo đơn phương từ  một cơ quan, dẫn đến khó thực hiện, hiệu quả không cao.

Theo Đại tá Vũ Xuân Thu, hiện nay, việc cấp kinh phí cho hoạt động của các cấp Hội, việc chi trả thù lao cho cán bộ làm công tác Hội của mỗi địa phương trên địa bàn cả nước chưa thống nhất, thậm chí ngay trên địa bàn tỉnh, mỗi huyện thực hiện một khác, tạo ra sự thiếu công bằng ngay trong đội ngũ cán bộ làm công tác hội. Trung ương Hội cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Cần Thơ Võ Thị Thanh Nga trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Cần Thơ Võ Thị Thanh Nga cho biết, nhiệm kỳ qua, Hội đã vận động được trên 62 tỷ đồng, 120.000 lượt nạn nhân được hỗ trợ (bình quân một nạn nhân được chăm sóc 5,2 lần/năm). Thành phố có 3 cơ sở đang chăm sóc nuôi dạy 380 nạn nhân chất độc da cam.

Thành Hội đã thực hiện tốt, có hiệu quả chương trình phối hợp liên ngành của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin với Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ Thập đỏ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên. Hàng năm, các hoạt động Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8, kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt Nam, Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023… được tổ chức.  

Hội phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát, khảo sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, Điều lệ Hội, các chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các chương trình hỗ trợ thường xuyên chăm sóc nạn nhân, như: xây và sửa chữa nhà ở; cấp học bổng, trợ cấp thường xuyên theo “địa chỉ đỏ”; hỗ trợ vốn phát triển sinh kế gia đình; tặng quà các dịp lễ, Tết…

Hội đã xây dựng nhiều mô hình “chăm sóc nạn nhân tại cộng đồng” như: “Tổ Y tế cộng đồng chăm sóc sức khỏe nạn nhân tại hộ gia đình”; “phát triển sinh kế gia đình nạn nhân”; “chăm lo nữ nạn nhân nuôi con, nuôi cha mẹ già”; “giúp đỡ nạn nhân là trẻ em và thanh niên yếu thế”; “Điểm tiếp nhận gạo, nhu yếu phẩm, nấu cháo cho nạn nhân và người nghèo”... Việc thực hiện tốt công tác quản lý nạn nhân là cơ sở để Hội định hướng mục tiêu, kế hoạch, chương trình chăm sóc, giúp đỡ.

Những kết quả trên của Hội đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Thời gian tới Hội tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; quyết tâm thực hiện tốt chủ đề của Đại hội V: “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân; đổi mới, xây dựng Hội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao”. Đồng thời, Hội chú trọng thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội 2023 - 2028, Điều lệ Hội, xây dựng Hội thật sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, khẳng định vai trò, vị thế của Hội đối với cấp ủy, chính quyền và xã hội.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương giao, cũng như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, bà Võ Thị Thanh Nga kiến nghị Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được ổn định để phát triển, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, xây dựng tổ chức vững mạnh, lan tỏa tinh thần nhân ái, nghĩa cử cao đẹp của các tầng lớp nhân dân giúp nạn nhân chất độc da cam về vật chất, tinh thần, vơi bớt khó khăn, bệnh tật, có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, bà Võ Thị Thanh Nga kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo các địa phương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam vào năm 2025. Ủy ban MTTQ Việt Nam quan tâm chỉ đạo kế hoạch hành động hàng năm thực hiện phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, nhằm tạo điều kiện cho Hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực xã hội được thuận lợi, hiệu quả hơn.

Đồng thời, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin nghiên cứu đổi mới phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, tổ chức các hoạt động để các Hội địa phương giao lưu, giới thiệu các điển hình, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, xây dựng Hội vững mạnh, nâng cao năng lực cán bộ.

Phương Lan (TTXVN)
Nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết để hoạt động nhiệm kỳ 2023 – 2028 thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN