Ưu tiên phát triển giao thông nông thôn

Là 1 trong 3 nhóm quan trọng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, TP Hồ Chí Minh đã đạt những kết quả khả quan trong xây dựng giao thông nông thôn (GTNT).

Nhờ tính kết nối của hệ thống giao thông đang được hoàn thiện, những khó khăn về giao thông của người dân các khu vực vùng sâu, vùng xa ở TP Hồ Chí Minh đã dần được xóa bỏ.

Đường giao thông được nhựa hóa

Năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi "vui như Tết" vì niềm vui được nhân đôi. Căn nhà mái bằng khang trang mà gia đình chị phải tích cóp hơn 10 năm mới vừa xây dựng xong, cũng đúng dịp tuyến đường GTNT 708 chạy ngang nhà chị hoàn chỉnh nhựa hóa. "Ngoài vốn do thành phố đầu tư, bà con nơi đây đã đóng góp thêm hơn 300 triệu đồng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Vậy là Tết này nhà em sẽ đón xuân trong căn nhà mới khang trang hơn hẳn mọi năm và cũng không phải chịu đựng cảnh đi chúc Tết trên con đường gập ghềnh ổ voi, bụi bặm như mọi năm trước", chị Hòa chia sẻ.

Cuộc sống người dân các khu vực vùng sâu, vùng xa TP Hồ Chí Minh được cải thiện hơn nhờ GTNT có những đổi thay tích cực.

Tương tự tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, những ngày này người dân cũng đang trong tâm trạng phơi phới đón xuân về trong niềm vui mới. Đây được xem là địa điểm xa nhất của thành phố và vấn đề đi lại luôn là trọng tâm bức xúc, mong mỏi của người dân. Với việc hệ thống đường liên xã, liên ấp được hoàn thiện, đường sá đã được làm xuyên suốt đến tận đồng ruộng đã giúp cho bà con rất nhiều trong việc vận chuyển nông sản, giao thương... Còn tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, bà con nơi đây cũng phấn khởi hơn bao giờ hết. Vốn là địa phương bị bao bọc bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, để di chuyển người dân phải đi bộ hoặc chèo đò vừa mất nhiều thời gian, vừa ảnh hưởng đến sản xuất. Nhưng hiện nhờ mạng lưới GTNT được hoàn thiện, bà con đã không còn cảnh "qua sông lụy đò", cuộc sống vì thế bớt vất vả hơn nhiều.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật về GTNT tầm nhìn đến 2020 nhưng thực tế quy mô các loại đường trong văn bản hướng dẫn chỉ phù hợp với khu vực nông thôn phổ biến cả nước. Theo các chuyên gia trong ngành, thời gian tới ngành chức năng cần được bổ sung thêm đối với khu vực nông thôn có tính chất cận đô thị như các huyện ngoại thành ở những thành phố lớn, như ngoại thành TP Hồ Chí Minh. Bộ GTVT cũng nên xem xét bổ sung giải pháp thoát nước phù hợp đặc thù thành phố, đặc biệt là những vùng nông thôn có mật độ dân cư đông. Song song đó, Bộ GTVT cần hướng dẫn bổ sung về cầu giao thông ở nông thôn, bến tàu và loại hình phương tiện giao thông đường thủy khi một số vùng nông thôn vẫn còn sử dụng phương tiện vận tải sông rạch.

Theo khảo sát nhanh của TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm cuối năm 2015, gần 100% tuyến đường huyện, xã ở TP Hồ Chí Minh được nhựa hóa, đáp ứng tối thiểu 2 làn xe, nhiều tuyến đã được thiết kế tiêu chuẩn đường đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu đặc thù theo hướng phát triển đô thị. Với nhiều hình thức đầu tư đa dạng như: vốn ngân sách, Nhà nước và nhân dân cùng làm... TP Hồ Chí Minh là một trong số địa phương đi đầu hoàn thành những tiêu chí về GTNT. Cụ thể, với tổng kinh phí hơn 7.700 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 20%, thành phố đã xây dựng 1.549 tuyến đường GTNT; xây mới, bảo trì 530 cây cầu các tuyến đường huyện, xã... Riêng hệ thống cầu cống trên các tuyến huyện, được xây dựng kiên cố phù hợp với cấp đường quy hoạch. Hiện hầu hết các tuyến đường thôn xóm cũng được nâng cấp, đạt loại A trở lên và 100% trục chính nội đồng được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp 5, 6 đồng bằng, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện đều cao hơn mức yêu cầu 70%...

"Chúng tôi đã thành lập các ban chỉ đạo và có sự kết hợp chặt chẽ các ngành chức năng cùng vận động người dân tham gia. Các ban đã làm khá tốt vấn đề thông tin, tuyên truyền, qua đó nhận được sự đồng lòng, ủng hộ nhiệt tình của người dân trong việc hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công trình hoàn thành đúng kế hoạch…" Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết.

Chú trọng chất lượng

Là vùng ven đô thị, tại TP Hồ Chí Minh nhiều quận, huyện vẫn đang trong quá trình đô thị hóa nên có sự đan xen giữa quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, không như các địa phương khác, việc đầu tư xây dựng GTNT phải có tầm nhìn về quy hoạch, nhu cầu đầu tư để GTNT đảm bảo tính khả thi khi quy hoạch. Khi tiến hành thực hiện các công trình GTNT, bên cạnh việc làm đường còn phải giải quyết thêm việc tiêu thoát nước, kết nối với quy hoạch được duyệt chung tổng thể và hướng đến tầm nhìn phát triển lâu dài.

"Giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung phát triển hệ thống GTNT và ngoài phát triển số lượng sẽ tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng. Theo đó, phát triển đồng thời giao thông bộ và giao thông đường thủy nhằm mục đích phục vụ, vận chuyển tốt hàng hóa nông nghiệp cho nông dân thành phố. Ngoài ra, các hệ thống biển báo giao thông sẽ được bố trí hợp lý nhằm hạn chế tai nạn trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, đồng thời tập trung sử dụng nguồn vốn duy tu hợp lý để phát triển GTNT. Hiện thành phố đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí chung so với mặt bằng cả nước, nhưng để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông kết nối theo quy hoạch được duyệt vẫn rất cần nguồn vốn lớn hơn", ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Chánh văn phòng UBND huyện Nhà Bè: Xác định GTNT là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, các huyện ngoại thành ở TP Hồ Chí Minh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn lực trong nhân dân để thực hiện xây dựng. Tại huyện Nhà Bè, chỉ tính trong 4 năm qua đã có tổng cộng 64 công trình GTNT được đầu tư xây dựng góp phần đáng kể trong việc chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Theo tôi, muốn hoàn thành cần có sự quyết tâm của ngành chức năng và đặc biệt là sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân. Sự đồng lòng, thống nhất cao của người dân biểu hiện cụ thể thông qua hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu tư phát triển sản xuất; đóng góp ngày công... cùng ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình. 

Ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đạt mục tiêu 100% đường trục xã, liên xã, đảm bảo tối thiểu 2 làn xe ô tô; 100% các tuyến đường nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% luồng lạch phục vụ vận tải đường thủy được cải tạo, gia cố chống sạt lở; 100% xã có xe buýt đến trung tâm xã… Do nguồn vốn còn hạn hẹp, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, thực tế hiện vấn đề xây dựng phát triển GTNT còn những khó khăn, thách thức... đòi hỏi sự quyết tâm nhập cuộc cao độ của các ngành, các cấp. Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cũng như kêu gọi đầu tư các dự án theo nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau, ban hành giải pháp thoát nước phù hợp với đặc thù của thành phố cũng như các tiêu chuẩn về thiết kế, thi công...


Lê Nghĩa
Linh hoạt trong phát triển giao thông nông thôn
Linh hoạt trong phát triển giao thông nông thôn

Giao thông nông thôn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua đã được đầu tư để nhiều xã vốn trước đây chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy, thì nay đã có đường bộ đến trung tâm xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN