Ứng xử với động đất – “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”: Hãy chuẩn bị cách ứng xử đúng

Lãnh thổ Việt Nam (nhất là khu vực phía Tây Bắc) nằm trên các vết đứt gãy của vỏ trái đất. Do đó, thông điệp của các nhà địa chấn học Việt Nam hiện nay là mỗi người dân nên chuẩn bị cho mình cách ứng xử thích hợp trong trường hợp xảy ra động đất.

PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (ĐĐ&ST), Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đã trao đổi với PV Tin Tức về những kiến thức và kinh nghiệm ứng phó với các thảm họa động đất, sóng thần.

Thưa ông, gần đây trên phạm vi cả thế giới các trận động đất xảy ra có vẻ thường xuyên hơn. Với tư cách chuyên gia về vấn đề này, ông có thông điệp gì với cộng đồng?

Có hai điều cần phải xác định: Một là khi xảy ra động đất, chúng ta không được hoảng hốt. Thứ hai là chúng ta không được chủ quan, từ Chính phủ đến người dân phải chuẩn bị cách ứng xử, đối phó ngay từ bây giờ. Đây là thông điệp của các nhà địa chấn Việt Nam muốn gửi đến tất cả mọi người.

Còn cách ứng phó khi động đất xảy ra, thưa ông?

Ứng phó đối với động đất tùy thuộc vào các tình huống. Với tình huống quá khẩn cấp (tức động đất đang xảy ra) thì cách tốt nhất là chui xuống gầm bàn, gầm giường để tránh những vật nặng có thể rơi từ trên trần nhà xuống do rung lắc.

Hệ thống theo dõi động đất của VN đã được kết nối với quốc tế. Ảnh: Dantri.com.vn


Một số nguyên tắc cần phải tuân thủ là khi động đất không được vào thang máy và tránh đứng gần cửa sổ. Vì động đất có thể làm văng người ra ngoài qua cửa sổ; hoặc có thể làm đoản mạch, ngắt hoàn toàn điện của hệ thống thang máy. Đây là kinh nghiệm thực tiễn đã đúc kết.

Trong tình huống không khẩn cấp, nếu được cảnh báo sắp có động đất, sóng thần đến thì nên chạy ra một khoảng trống. Những người dân ở các nước có nhiều động đất như Philíppin, Nhật Bản, California (Mỹ)… không bao giờ xây nhà cao tầng. Ví dụ Philíppin nhà chỉ 2 – 3 tầng.

Với tư cách nhà khoa học nghiên cứu về động đất, sóng thần, ông thấy người Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để đối phó với thảm họa (nếu xảy ra), thưa ông?

Có thể nói là những vấn đề liên quan đến giáo dục cộng đồng về thảm họa vẫn chưa được chú ý, quan tâm đúng mức. Các nhà địa chấn của trung tâm, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam đã chuẩn bị nhiều ấn phẩm hay, phục vụ rất tốt cho mọi lĩnh vực khác nhau về dân sinh, thảm họa bằng các cuốn sách, tờ rơi… Kiến thức về ứng phó với thảm họa cũng có truyền bá trên mạng và sách phổ biến kiến thức. Nhưng vẫn chưa thành chiến lược quốc gia về giáo dục cộng đồng để ứng phó với thảm họa. Ta phải chuẩn bị kiến thức để có thể ứng phó tốt. Người Nhật là một tấm gương, kể cả trong lúc đang khốn quẫn họ vẫn chứng tỏ sự bình tĩnh, bài bản trong ứng phó với thảm họa, ứng xử với cộng đồng.

Nếu kiến nghị thì ông sẽ kiến nghị điều gì?

Kiến nghị của các nhà khoa học địa chấn Việt Nam là muốn Chính phủ quan tâm hơn nữa, có chiến lược phổ biến kiến thức và kỹ năng ứng phó với động đất, sóng thần tới tận từng người dân để giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng nếu thảm họa xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN