Ứng phó với bão số 10: Chuẩn bị phương án sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm

Ngày 14/9, nhiều địa phương đã triển khai phương án ứng phó với bão số 10 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Ngư dân Thanh Hóa neo kéo tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Theo báo cáo từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 8 giờ ngày 14/9 toàn tỉnh có 7.409 phương tiện nghề cá với 27.190 lao động, có 6.177 phương tiện với 20.232 lao động đã neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh. Hiện còn 1.232 phương tiện với 6.958 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 3 phương tiện với 33 lao động thuộc xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đang hoạt động vùng biển Vịnh Bắc Bộ chưa liên lạc được.    

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn  vị liên quan nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền đúng quy định. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài thông tin duyên hải Thanh Hóa và UBND huyện Hoằng Hóa khẩn trương tìm mọi biện pháp liên lạc với 3 phương tiện chưa liên lạc được của xã Hoằng Trường...

Các huyện thành phố ven biển cũng rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển, các khu du lịch khi có lệnh. Các huyện miền núi chủ động tổ chức đi dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản... Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Cửa Đạt, Công ty THHH một thành viên Sông Chu thực hiện tốt phương án vận hành liên hồ chứa Hủa Na - Cửa Đạt; xả lũ Cửa Đạt để đảm bảo mực nước dâng dưới 105m.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 57.801 hộ với 247.867 người dân đang sinh sống ở khu vực mép nước, cửa sông, ven biển. Khi có lệnh, số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ biển 200m là 8.599 hộ với 765 người. Số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ viên từ 200- 500m là 12.695 hộ với 35.537 người. Vị trí sơ tán đến tập trung tại các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, UBND các xã, phường, thị trấn và các nhà cao tầng trong khu vực…
                                                        
Tương tự, tại Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các xã ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh trú an toàn; đồng thời, thực hiện cấm biển từ 14 giờ ngày 14/9. Cùng với đó, sử dụng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; có phương án di dời, sơ tán người canh coi tại các chòi canh và người dân ở khu vực cửa sông, ven biển vào khu vực an toàn xong trước 9 giờ ngày 15/9.

Các huyện, thành phố, nhất là các huyện ven biển chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; đảm bảo tiêu thoát nước đệm vùng trũng thấp, bảo vệ diện tích lúa mùa; có phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các lồng bè; kiểm tra hệ thống thủy lợi, đê điều xung yếu sẵn sàng ứng phó khi có mưa lũ xảy ra...

Theo ịch bản ứng phó với bão, trong trường hợp bão cấp 10 đổ bộ trực tiếp, toàn tỉnh Nam Định sẽ phải sơ tán 32.350 người ở trong 8.625 nhà. Trường hợp bão cấp 11-12 đổ bộ trực tiếp, Nam Định sẽ sơ tán 147.032 người ở trong 38.978 nhà.

Tại Quảng Bình, UBND tỉnh  đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và chủ động công tác phòng chống bão. 

Ngư dân Quảng Bình đang neo đậu, gia cố tàu thuyền an toàn...trước khi bão đổ bộ vào bờ. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Do ảnh hưởng của bão số 10, trong sáng 14/9, tại Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến 9 giờ ngày 14/9 đã có 4.009 tàu cá với 17.162 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn.

Hiện Quảng Bình còn 569 tàu với 4.641 lao động đang hoạt động trên biển, khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Các đồn Biên phòng dọc bờ biển Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu và thuyền trưởng thông báo cho những phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi trú, tránh bão an toàn.

UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; sẵn sàng di dời khoảng 20 ngàn hộ với hơn 76 ngàn người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng ven biển, vùng đồi núi và khu vực dễ bị sạt lở đất. 

Các địa phương thực hiện phương án "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với bão số 10; ngăn cấm không cho tàu thuyền ra khơi đánh cá trong những ngày sắp tới. Đồng thời tuyên truyền và kiểm tra công tác phòng chống, chằng chống nhà cửa tại các khu dân cư. Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn cho học sinh nghỉ học trong những ngày bão đổ bộ…

Còn theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, hiện 556 tàu cá của ngư dân tỉnh Phú Yên với 3.100 lao động hoạt động trên biển đều đã liên lạc được với các đồn biên phòng hoặc gia đình để nhận thông tin về cơn bão số 10 và có biện pháp ứng phó phù hợp.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các đồn biên phòng và Hải đội 2 phân công cán bộ, chiến sỹ túc trực 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, đồng thời thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn ven biển thông báo diễn biến cơn bão số 10 đến ngư dân; hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Hiện một chiếc tàu vận tải quốc tịch Mông Cổ với 16 thủy thủ trên hải trình chở 3.115 tấn gạo từ Cần Thơ ra đã xin tránh trú bão tại vùng biển Phú Yên đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên tạo điều kiện neo đậu an toàn ở vị trí cách cửa đầm Cù Mông khoảng 2 hải lý.

Khiếu Tư - Nguyễn Lành- Đức Thọ- Thế Lập (TTXVN)
Giao thông TP Hồ Chí Minh hỗn loạn vì mưa lớn do ảnh hưởng bão số 10
Giao thông TP Hồ Chí Minh hỗn loạn vì mưa lớn do ảnh hưởng bão số 10

Đường ngập, giao thông gần như tê liệt trên nhiều tuyến đường sau cơn mưa lớn kéo dài từ nửa đêm đến sáng nay (14/9) khiến nhiều người dân TP Hồ Chí Minh "khóc dở mếu dở".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN