Ùn ứ ghe tàu khu vực cầu Ghềnh bị sập

Hàng trăm ghe tàu phải neo đậu hoặc không thể xuất bến do luồng lưu thông qua khu vực cầu Ghềnh bị cấm.

Nhiều tàu, sà lan chở vật liệu xây dựng ùn ứ tại đoạn sông Đồng Nai phía thượng nguồn khu vực Cầu Ghềnh (Ảnh chụp lúc 9 giờ 30 phút, ngày 22/3). Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Nhiều chủ phương tiện vận tải trên sông Đồng Nai ngán ngẩm cho biết, không biết đến khi nào tàu mới được phép lưu thông, trong khi các công trình xây dựng đang chờ cát, đá.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, ngày 22/3 tại khu vực thượng lưu và hạ lưu sông Đồng Nai nơi cầu Ghềnh bị sập, có hàng trăm ghe tàu phần lớn là những tàu tải trọng trên dưới 1.000 tấn đang neo đậu chờ ngày thông luồng. Tình trạng ùn ứ các phương tiện vận tải thuỷ trên sông Đồng Nai diễn ra từ trưa 20/3 đến nay do luồng chính lưu thông bị ách tắc vì cầu Ghềnh sập.

Ông Huỳnh Quang Thuần, chủ một sà lan chở cát hiện đang neo đậu tại khu vực sông Đồng Nai thuộc xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) cho biết, sáng 20/3, mặc dù sà lan đã được lên hàng để chờ thuỷ triều lên là chở đi Tiền Giang. Tuy nhiên, trưa 20/3 sau khi cầu Ghềnh bị đâm sập, luồng chính của tuyến giao thông thuỷ trên sông Đồng Nai đã bị chặn, do đó tàu đã phải nằm chờ từ đó đến nay.

Đại diện Công ty Vật liệu xây dựng Biên Hoà cho biết, trung bình mỗi ngày Công ty cung cấp khoảng 1.000 tấn cát và đá xây dựng cho khách hàng chủ yếu ở các tỉnh miền Tây. Nhưng nay, tất cả tàu ghe đều đang chờ lệnh thông tuyến qua cầu Ghềnh mới được đi.

Theo đại diện Cảng vụ đường Thuỷ khu vực 3 (Bộ Giao thông Vận tải) đơn vị quản lý luồng đường thuỷ nội địa trên đoạn sông Đồng Nai, do luồng chính lưu thông qua khu vực cầu Ghềnh đang bị ách tắc vì sập cầu, do đó giao thông đường thuỷ qua khu vực này tạm thời vẫn bị cấm. Trước mắt, phải chờ sau khi cơ quan chức năng tiến hành trục vớt phần trụ và hai nhịp cầu bị đâm đổ xuống sông sau đó mới có thể thông tuyến.

Để giải toả tuyến đường thuỷ qua khu vực này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị tỉnh Đồng Nai nghiên cứu và cho tàu ghe chuyển hướng lưu thông qua khu vực cầu Rạch Cát trên sông Cái, sông Đồng Nai để giải toả ách tắc hàng hoá trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, luồng đường thuỷ qua cầu Rạch Cát trên sông Cái có độ sâu lòng sông ở đây thấp. Do đó tàu có tải trọng lớn không thể lưu thông qua luồng cầu Rạch Cát. Để có thể cho tàu lớn đi qua khu vực này, bắt buộc phải nạo vét khơi luồng, tuy nhiên việc làm này sẽ mất nhiều thời gian. Trong khi đó, tại nhánh sông Cái đang có hàng trăm bè cá của người dân neo đậu nuôi cá, nếu tàu ghe vận tải lưu thông qua khu vực này sẽ không đảm bảo an toàn.

Đến chiều ngày 22/3, tại khu vực cầu Ghềnh bị sập các đơn vị phối hợp thay phiên bảo vệ hiện trường. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ, thanh tra giao thông vẫn sử dụng canô túc trực để hướng dẫn và ngăn chặn tàu thuyền qua khu vực cầu Ghềnh. Hiện Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thống nhất thời điểm tiến hành trục vớt phần cầu bị đâm đổ và tàu đẩy sà lan đang bị chìm tại khu vực này.

Sỹ Tuyên (TTXVN)
Ai đã ngăn tàu Thống nhất Bắc Nam lao xuống cầu Ghềnh đã sập?
Ai đã ngăn tàu Thống nhất Bắc Nam lao xuống cầu Ghềnh đã sập?

Thời điểm đoàn tàu mang số hiệu 2542 đang băng băng lao về hướng cầu Ghềnh, cũng là lúc nhân viên trạm gác chắn tàu hay tin cầu Ghềnh đã sập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN