Từ vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em: "Cần xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em"

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp (ảnh) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng bảo mẫu hành hạ trẻ em như vụ việc xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

 

Thưa ông, sự việc bạo hành trẻ em xảy ra tại cơ sở mầm non Phương Anh vừa qua gây bức xúc trong xã hội, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Trước hết, phải nói vụ bạo hành trẻ em ở nhà trẻ Phương Anh gây sốc cho cả xã hội. Với trách nhiệm là người chăm sóc và bảo vệ trẻ em thì chúng tôi còn đau lòng hơn. Đối với một đất nước, thế hệ trẻ phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần chính là nguồn "bảo hiểm" của quốc gia sau này.


 

Giờ hoạt động góc của trẻ lớp mẫu giáo 5 tuổi, Trường Mầm non Hải Tân, xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Quý Trung - TTXVN

Ngay sau khi có thông tin, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh, yêu cầu xác minh làm rõ sự việc, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động theo quy trình và báo cáo sớm.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)


Hiện nay, còn nhiều vấn đề cần phải bàn trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trẻ em không có tổ chức đại diện cho mình, trẻ em không được tham gia họp Quốc hội, hội đồng nhân dân, không có tiếng nói trong phân bổ ngân sách... Tất cả những gì ta dành cho trẻ em tùy thuộc ở mức độ quan tâm của chúng ta. Việt Nam tự hào là nước đầu tiên của châu Á và nước thứ 2 của thế giới phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trẻ em. Chúng ta không chỉ quan tâm về mặt tinh thần, không thể chỉ có các nghị quyết… mà cần dành ngân sách cho trẻ em tốt nhất, cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng phải được tăng cường, cả xã hội phải coi việc chăm sóc bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ hàng đầu.


Chúng ta phải nhớ là trẻ em không có khả năng phản kháng và tự bảo vệ. Chúng ta không thể so sánh 10% thương tật ở người lớn bằng bao nhiêu % đối với trẻ nhỏ bởi vì người lớn có thể tránh đòn và có những phản ứng lại. Nhưng với trẻ em, thì tôi không nghĩ rằng chúng ta quan điểm tỉ lệ thương tật là bao nhiêu % mà cần quan tâm đến những sang chấn về mặt tâm thần sẽ ám ảnh suốt cuộc đời các em, cái đó là không đo đếm được. Cần phải có những xử lý thích đáng với những vi phạm, có thể nếu luật pháp quy định chưa đầy đủ chế tài xử lý vi phạm thì phải sửa đổi để làm sao bảo vệ trẻ em tốt nhất.

 

Theo ông, nguyên nhân chính nào dẫn đến sự gia tăng bạo lực trẻ em ở Việt Nam gần đây?


Rất nhiều người nói có thể do nguyên nhân nghèo đói nên gia đình không chọn được những nơi nuôi dạy trẻ tốt nhất, nơi nào các cô chăm cháu tốt nhất. Nhưng theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất là, chúng ta chưa xây dựng được hệ thống bảo vệ trẻ em. Hệ thống này cần có nhiều cấp độ, từ phát hiện, phòng ngừa, giải cứu và chăm sóc phục hồi các vết thương, sang chấn tâm lý...


Chúng ta chưa thực hiện đầy đủ cả về ngân sách, cán bộ, mạng lưới bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Dĩ nhiên còn nhiều nguyên nhân khác như đạo đức xã hội, cơ chế thị trường…


Hiện nay, theo cơ chế thị trường thì một bảo mẫu có thể nuôi 20 - 30 cháu, chỉ cốt làm sao kiếm được nhiều tiền, vì vậy mới xảy ra những vụ việc như vừa rồi. Lẽ ra chúng ta cần có định mức cụ thể là với cơ sở chừng này thì chỉ được nuôi dạy bao nhiêu cháu để đảm bảo việc chăm sóc cho trẻ.

 

Đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này, thưa ông?


Điều quan trọng là sự chuyển đổi trong nhận thức của chúng ta. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ những năm đầu đời rất quan trọng. Do đó, cần tập trung đầu tư cho trẻ em lứa tuổi mầm non như: xây dựng cơ sở trường lớp, chất lượng giáo viên, chăm sóc dinh dưỡng...

Cần thành lập những đường dây nóng để khi có vụ việc có thể phản ánh và can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, xử phạt nghiêm khắc các vi phạm. Nhiều vụ việc vừa qua xảy ra tại các khu công nghiệp, chế xuất bởi những nơi này đang thiếu các cơ sở giáo dục, xã hội. Do đó, cần hài hòa giữa các mục tiêu về kinh tế và các mục tiêu về xã hội. Tại các khu công nghiệp bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất thì cần xây dựng các cơ sở xã hội, trường học, cơ sở y tế phải đảm bảo…


Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là của toàn xã hội và mỗi người dân. Tôi mong muốn mỗi người hãy là một cộng tác viên đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Khi chúng ta xây dựng được sự hợp tác như vậy thì việc chăm sóc trẻ em sẽ tốt hơn.


Thu Trang - Thiên Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN