Tư vấn chính sách: Mô hình ở Đức và Việt Nam

Ngày 19/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (Đức) tổ chức hội thảo "Tư vấn chính sách của một số nước trên thế giới: mô hình ở Đức và Việt Nam", tạo cơ hội để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách của hai nước trao đổi thông tin, thảo luận về các vấn đề liên quan đến vấn đề này.


Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, các đại biểu cùng chia sẻ về lịch sử phát triển, loại hình, cơ chế và xu thế phát triển tư vấn chính sách nói chung; vai trò, đóng góp và những hạn chế của các tổ chức tư vấn chính sách cho cơ quan lập pháp của Việt Nam; so sánh một số mô hình các mạng lưới của giới trí thức tân tự do và các tổ chức tư vấn chính sách ở Đức...


Các đại biểu đến từ Đức cho biết: Ở Đức, giới học thuật chiếm 20% đại biểu quốc hội. Các nhà khoa học có tri thức muốn độc lập nhưng cũng vẫn phải phụ thuộc vào các nhà chính trị ở mức độ nhất định. Một trong những phức tạp là có những tổ chức, cá nhân muốn độc lập với Chính phủ hoặc với tổ chức thương mại hoặc với các nguồn tài trợ. Với cách tiếp cận kết hợp giữa khoa học xã hội và khoa học chính trị, TS. Dieter Plehwe, Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội Berlin cho rằng: Tư vấn chính sách là vấn đề ngày càng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tư vấn chính sách phải là cơ quan mang tầm quốc gia, xuyên quốc gia và phải được nhìn nhận trong mối quan hệ giữa khoa học với kinh tế, truyền thông, chính trị (gồm các vấn đề quốc nội, quốc tế, siêu quốc nội).


Đối với Việt Nam, tư vấn chính sách đang là nhu cầu thiết yếu. PGS. TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: hiện nay, trong điều kiện đặc thù, Việt Nam tồn tại cả những tổ chức, cá nhân tư vấn chính sách hiệu quả và chưa hiệu quả nên phải cho phép tồn tại nhiều loại hình tư vấn chính sách khác nhau để đảm bảo bên có nhu cầu tư vấn lựa chọn được những chính sách nhanh, phù hợp.


Ngoài việc thu thập thông tin, nghiên cứu khoa học để có được chính sách tư vấn tốt, các cơ quan chức năng cũng cần vận động chính sách để đưa tư vấn chính sách đến được cơ quan hoạch định chính sách. Việt Nam đã đạt tới ngưỡng phát triển có thu nhập ở mức trung bình và các bài toán phát triển đã có thể có nhiều lựa chọn khác nhau và không thể giải quyết một cách đơn lẻ và thiếu các tư vấn chính sách chuyên nghiệp./. 



Minh Nguyệt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN