Từ đêm 31/7, vùng mưa lớn mở rộng ra Việt Bắc, Tây Bắc

Trong đêm 30/7 và sáng sớm 31/7 ở Bắc bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, riêng khu vực các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang đã có mưa to đến rất to, Lục Yên (Yên Bái) 96mm; Tuyên Quang 96mm; Bắc Mê (Hà Giang) 101mm…

Nước hồ Cao Vân, Quảng Ninh lên cao mức báo động. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN


Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước sông Thương đang lên nhanh, sông Cầu, sông Lục Nam đang lên chậm; mực nước sông Kỳ Cùng đã lên lại. Lúc 7 giờ ngày 31/7, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức 4,3m (mức báo động 1); trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn đỉnh lũ đạt mức 252,3m lúc 1 giờ (trên báo động 1) và đang xuống.

Dự báo từ ngày 31/7 đến ngày 3/8, ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-300mm cả đợt, cục bộ có nơi lớn hơn 400mm). Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đông Bắc và từ đêm 31/7 vùng mưa lớn sẽ mở rộng thêm ra khu vực Việt Bắc và Tây Bắc. Vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật 7-8, sóng biển cao từ 1,5 đến 2,5m, biển động.

Mực nước trên sông Thái Bình tiếp tục lên; đến 7 giờ ngày 1/8 mực nước sông Thương tại Phủ Lạng Thương có khả năng lên mức 4,6m (trên báo động 1 là 0,3m), sông Cầu, sông Lục Nam còn dưới mức báo động 1, sông Kỳ Cùng sẽ tiếp tục xuống chậm. Từ ngày 31/7 đến 4/8, trên các sông khác thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 2-3.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến sáng 31/7, tỉnh Quảng Ninh đã có 17 người chết, 8 người bị thương; gần 4.000 nhà bị ngập sập đổ, hàng nghìn ha lúa và hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở… với tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính 1.000 tỷ đồng, thiệt hại ngành than ước tính 500 tỷ đồng.

Tại tỉnh Lạng Sơn đã có 2 người chết (cháu Phương Văn T – 10 tuổi, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng và ông Trần Văn Đ – 81 tuổi, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng bị lũ cuốn trôi); 3 nhà bị sập, nghiêng do sạt lở đất, 2 nhà bị hư hỏng nhẹ, 300 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 24 vị trí trên quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở.

Tại hồ Khun Diếm, xã An Hùng, huyện Văn Lãng (đập đất dung tích 50.000m3), một phần thân đập dọc tuyến tràn bị ảnh hưởng do xói lở. UBND xã An Hùng đã huy động nhân dân gia cố kịp thời bằng bao tải đất đảm bảo an toàn đập.

Ở tỉnh Bắc Giang, mưa lớn đã gây sự cố công trình thủy lợi, đê điều tại đoạn K44+825 – K45+017 đê tả Cầu, K3+180 – K3+660 đê hữu Lái Nghiên, huyện Việt Yên đã xử lý giờ đầu và tiếp tục theo dõi; kè Chùa Sòi K40+470 – K41+060 đê hữu Thương, thành phố Bắc Giang đang có diễn biến tiếp tục sụt lún. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị cho xử lý khẩn cấp.

Thu Hà (TTXVN)
"Rốn” nước Việt Hải trước nguy cơ bị nhấn chìm
"Rốn” nước Việt Hải trước nguy cơ bị nhấn chìm

Toàn xã Việt Hải đang đứng trước nguy cơ ngập hoàn toàn và một kịch bản “đại di dân” là điều đang được tính đến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN