“Trường Sa” nơi vùng biển Đông Bắc

Không phải ngẫu nhiên mà đảo Trần của tỉnh Quảng Ninh được ví là “Trường Sa vùng Đông Bắc”. Là đảo khơi xa, điểm tiền tiêu của vùng biển Đông Bắc Tổ quốc (nằm phía đông bắc quần đảo Cô Tô và chỉ cách đường phân định vịnh Bắc Bộ 7 hải lý), đảo Trần có vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng.

Đảo Trần nhỏ, trước đây chỉ có bộ đội biên phòng và một hộ dân sinh sống. Tuy nhiên giờ đây, với quyết tâm cao của Quảng Ninh, đảo Trần đang có những bước đổi thay lớn lao.

Cổ tích thời hiện đại

Nếu so sánh đảo Trần hiện tại với thời điểm vài năm trước đây, thì những người đã có thời gian gắn bó với đảo có thể thấy rõ những thay đổi to lớn. Đảo Trần trước đây, như chính cái tên của hòn đảo này, trần trụi, hoang vu, khắc nghiệt.

Đảo Trần đang có những thay đổi to lớn.


Năm 2006 là mốc đáng nhớ của đảo khi ghi dấu hộ dân đầu tiên ra sinh sống. Đó là gia đình anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh. Nếu đảo Trần được ví là “Trường Sa vùng Đông Bắc” thì vợ chồng anh chị năm đó chẳng khác nào “vợ chồng Mai An Tiêm” ngày xưa.

Chị Cảnh nhớ lại những ngày đầu ra đảo: “Đảo hoang vu không có dân cư sinh sống, khắc nghiệt không có đất canh tác, thừa nước mặn mà khan hiếm nước ngọt. Trên đảo chỉ có bộ đội biên phòng của Tiểu đoàn đảo Trần, những ngày đầu may là còn có các anh sẻ chia, giúp đỡ”.

Quê ở huyện Hải Hà (Quảng Ninh), trước đó, chị Cảnh chỉ biết đảo Trần qua một vài lần đi biển và cũng không thể hình dung được sẽ sống ở đó như thế nào. Nhưng ở quê lúc đó làm đến đổ bệnh mà vẫn nghèo, nên hai vợ chồng bàn nhau thử ra đảo với hy vọng vùng đất mới dù khó khăn, nhưng biết đâu lại mang đến những cơ hội mới.

“Ban đầu khi nghe tin ấy, nhiều người cho rằng vợ chồng tôi bị khùng. Ra đó có khác gì đi đày vì đảo hoang vu, không dân sinh sống, điện không có, nước ngọt thì khan hiếm”, anh Hiển hồi tưởng những ngày gian khó.

Ở quê Hải Hà, vợ chồng anh đi biển, buôn bán ở bến dù vất vả nhưng cũng không đến nỗi thiếu ăn. Nhưng trong một lần ra khu vực đảo Trần thu mua thủy sản, anh Hiển nhận thấy nếu làm căn nhà tạm ở đây, vừa đánh bắt, vừa mua gom, thì cơ hội làm ăn sẽ khá hơn. Tìm ra một hướng đi mới, anh Hiển về bàn với gia đình quyết định chuyển ra đảo sinh sống.

Thấm thoắt đã hơn 8 năm từ khi có hộ dân đầu tiên, mái nhà đầu tiên. Đến năm 2014 này, đảo Trần đón một sự thay đổi lớn khi có đến 17 ngôi nhà khang trang được hoàn thiện trên đảo và hiện đã có thêm 15 hộ dân ra đảo sinh sống.

Ðây là 17 căn nhà mới xây trong tổng số 30 căn nhà (giai đoạn một) mà Tổng công ty Ðông Bắc vừa bàn giao cho những cư dân đầu tiên trong dự án đưa dân ra đảo Trần sinh sống.

Đứng bên cạnh ngôi nhà trị giá gần tỷ đồng của mình, anh Trần Văn Nhật, một trong 15 hộ dân ra đảo đợt đầu, vẫn chưa hết xúc động: “Cả đời đi biển, vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ mình xây được ngôi nhà khang trang, vững chắc như này. Dân đảo chỉ mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để người dân yên tâm bám biển".

Bên trong lớp học của đảo huyên náo tiếng cười nói của những đứa trẻ theo bố mẹ ra đảo. Cô giáo Hoàng Thị Huyền chia sẻ: Đảo xa cần tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Ba cô giáo trẻ mới ra đảo nhận công tác đều rất nhiệt huyết dù biết sẽ gặp không ít khó khăn. Huyền tin tưởng rằng việc chính quyền quan tâm đầu tư cở sở vật chất trên đảo sẽ giúp việc giảng dạy, học tập không khác nhiều so với trong đất liền.

Để dân bám đảo, bám biển

Vận động nhân dân ra đảo Trần sinh sống là một chủ trương lớn đã được đưa vào nghị quyết của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đảo Trần là 1 trong 5 đảo thanh niên của toàn quốc, vấn đề di dân ra đảo càng bức thiết hơn.

Tuy nhiên, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và di dân thành công ra một hòn đảo còn hoang vu, cách xa đất liền như đảo Trần, không phải là việc dễ dàng.
Đại tá Bùi Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đông Bắc kiêm Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng nhà ở đảo Trần, cho biết: “Xây dựng 30 căn nhà trong dự án gặp rất nhiều khó khăn, từ việc khảo sát, lập phương án thi công, cho đến việc giải phóng mặt bằng, vận chuyển phương tiện máy móc cùng hơn 20 tấn thuốc nổ từ đất liền ra để bạt đồi, lấp biển. Theo dự tính, xây dựng mỗi căn nhà là 700 triệu đồng, nhưng khi hoàn thiện bị đội giá lên gần 1 tỷ đồng/1 căn. Nhưng với quyết tâm cao nhất, chúng tôi đã hoàn thành và bàn giao được 17 căn nhà cho những hộ dân đầu tiên".

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết: “Việc đưa dân ra đảo Trần sinh sống có cách làm cũng khác các dự án di dân trước đây.

Chúng tôi lấy dân làm gốc, chọn đúng dân làm nghề biển để đưa ra đảo sinh sống. Người dân đảo Trần còn được tham gia chọn vị trí dựng nhà, cũng như chọn mẫu nhà hợp lý. Đặc biệt, nơi ở mới ngay từ đầu đã được đồng bộ từ hạ tầng cho đến điện, nước, y tế, giáo dục... để người dân yên tâm bám biển, bám đảo”.

Hiện đảo Trần đã được đầu tư sửa chữa 3 hồ chứa nước ngọt đủ điều kiện tích 100.000 m3; nguồn nước sinh hoạt đã được đấu nối từ bể xử lý nước đến 17 căn nhà; 2 máy phát điện được lắp đặt, vận hành. Trên đảo đã có hai lớp học cho 10 trẻ mầm non và 5 trẻ ở độ tuổi tiểu học. Về y tế, đảo Trần sẽ thực hiện mô hình dân quân y kết hợp, phát huy công năng trạm y tế của bộ đội biên phòng cùng với việc tăng cường trang thiết bị, đội ngũ y, bác sỹ.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản; đồng thời đề xuất việc kéo điện lưới ra đảo Trần; tích cực chuẩn bị cho việc triển khai phủ sóng viễn thông trên đảo.

Các hộ ra đảo sẽ được vay vốn hỗ trợ để sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền, mua ngư lưới cụ, dịch vụ hậu cần nghề cá... Trẻ em học mẫu giáo, học phổ thông trên đảo được miễn học phí. Dân cư trên đảo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế 100% để khám, chữa bệnh...

Những cư dân mới của đảo có thể là những ngư dân đánh bắt quanh đảo Trần, cán bộ chiến sĩ đóng quân trên đảo đưa gia đình ra sinh sống hay cán bộ trẻ có trình độ được điều động... Họ sẽ bằng sức lực và trí tuệ của mình cùng nhau làm ăn sinh sống, phát triển xã đảo, góp phần cùng với bộ đội biên phòng khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Bài và ảnh: Xuân Tùng
Chủ quyền biển đảo Việt Nam qua thư tịch
Chủ quyền biển đảo Việt Nam qua thư tịch

Cuốn sách “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch, tư liệu Việt Nam và nước ngoài” của tác giả PGS, TS Trương Minh Dục (NXB Thông tin và Truyền thông) tập hợp và hệ thống từ nguồn thư tịch, tư liệu khá phong phú, cũ và mới của Việt Nam và nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN