Trường Sa ấm tình quân dân

Tháng ba, tháng tư trong tiết trời ấm áp và khi trời yên, biển lặng, những chuyến tàu bắt đầu rời cảng mang theo cả tấm lòng và tặng phẩm của quân và dân đất liền gửi đến quân và dân đang sinh sống và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc - Trường Sa.

Đến với các đảo trên quần đảo Trường Sa hôm nay, không một ai có thể ngờ rằng, xưa kia thực vật ở đảo chủ yếu là cây phong ba, bàng vuông, xương rồng, phi lao, muống biển… thì nay được phủ lên một màu xanh của rất nhiều loài cây ăn quả như dừa, nhàu, đu đủ, mù u…

Quân và dân thị trấn Trường Sa trong một ngày hội địa phương. Ảnh: Văn Sơn-TTXVN


Đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) được mệnh danh là "Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông. Bên cạnh các đơn vị quân đội, là các hộ dân, các công trình dân sự, văn hóa như Trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng ở khu vực Biển Đông; trường học, trạm xá, nhà văn hóa,... Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao thu hút nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên... Đây còn là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão. Nhiều năm qua ngư dân mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có bão, giông, hay đau ốm, bệnh tật đều đến Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh...

Với vị trí thuận lợi, Trường Sa đã và tiếp tục là địa chỉ cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển. Chỉ tính riêng trong năm 2010 và quý 1/2011, Trường Sa đã tạo điều kiện cho trên 300 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản; hỗ trợ gần 15.000 lít nước ngọt; khám, điều trị và cấp thuốc cho gần 400 trường hợp và nhiều vật dụng sinh hoạt khác, tạo niềm tin, ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Vợ chồng anh Võ Văn Trường và chị Nguyễn Thị Hạnh đang sinh sống tại thị trấn Trường Sa phấn khởi cho biết: Khi anh chị ra sinh sống tại đây được Nhà nước xây dựng cho một ngôi nhà khang trang diện tích 150 m2. Đến nay gia đình đã sắm ti vi và các vật dụng sinh hoạt khá đầy đủ, điện thoại đảm bảo 24/24 giờ..., khi có việc gì đột xuất hoặc ốm đau được các đơn vị bộ đội tận tình giúp đỡ... Một trường hợp khá thú vị khi 3 gia đình Nguyễn Tấn Thì - Nguyễn Thị Nhung, Đặng Thanh Chương - Bùi Thị Nhung và Nguyễn Ngọc Hải - Nguyễn Thị Kim Huệ đều đang háo hức chờ ngày đón chào những thành viên mới trong gia đình. Cả ba gia đình cho biết đã chuẩn bị chu đáo và rất yên tâm đợi ngày sinh nở trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá Nguyễn Hữu Lục- Đảo Trưởng đảo Trường Sa cho biết: Trải qua 36 năm xây dựng và trưởng thành (Đảo Trường Sa được giải phóng ngày 29/4/1975), lớp lớp cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và nhân dân trên đảo đã không ngại hy sinh, gian khổ, chủ động khắc phục khó khăn, lập được nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Cán bộ chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, phát huy truyền thống đảo Trường Sa Anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến với Đảo Song Tử Tây, chúng tôi dâng trào niềm vui khi chứng kiến sự thay đổi diệu kỳ trên mảnh đất phía Bắc quần đảo Trường Sa. Hiện nay, 100% nhân dân của xã Song Tử được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí, thường xuyên được các Trạm quân y khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ. Năm 2010 và quý I/2011, đảo đã khám và cấp thuốc cho gần 1.500 lượt người (quân và dân); giúp đỡ nhiều tài sản, phương tiện có giá trị cho các tàu cá bị nạn... Những việc làm đó đã tạo được hình ảnh và tình cảm tốt đẹp, niềm tin vững chắc trong lòng ngư dân khi đến đánh bắt trên khu vực quần đảo Trường Sa... Từ nguồn điện ổn định kết hợp với âu tàu có sức chứa hàng chục tàu cá có công suất lớn, trong tương lai gần nơi đây sẽ mở ra nhiều dịch vụ tiện ích khác như thu mua chế biến hải sản tại chỗ, sản xuất nước đá...

Hiện nay, ở đảo đã tổ chức nuôi trồng hải sản, thu mua hải sản, cung cấp nước ngọt, dầu diezen, thực phẩm, lương thực, sửa chữa máy tàu... với giá bán và thu mua bằng giá trong đất liền. Đến thăm gia đình Anh Nguyễn Xuân Quang và chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, chúng tôi thật sự cảm phục khi biết chị Thủy về thăm gia đình ở đất liền và sinh cháu bé và khi cháu được hai tháng tuổi lại bồng con trở lại đảo. Chị Thủy tâm sự: Chỉ mới hai tháng nhưng nhớ đảo quá nên chị bồng cháu về lại với đảo, dù gia đình can ngăn.

Còn gia đình anh Hồ Dương và chị Tràn Thị Liền thì lại phấn khởi cho biết: Năm 2008, gia đình em đón chào thành viên mới ngay trên đảo, đã được các đơn vị bộ đội và bà con trên đảo chăm lo rất tận tình, chu đáo... Đặc biệt, đảo Song Tử Tây sau nhiều năm được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc biệt là tỉnh Nam Định đã góp tiền của xây dựng ngôi chùa mang tầm cỡ khu vực. Chùa Song Tử không chỉ đẹp, hoành tráng mà còn là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho ngư dân và nhân dân làm ăn trên quần đảo Trường Sa. Anh Huỳnh Viên, người trông coi Chùa Song Tử cho biết, hằng ngày người dân trên xã đảo Song Tử và ngư dân đều vào chùa thắp hương. Đảo trưởng, Phạm Văn Hòa cho biết; Đảo Song Tử có được như ngày hôm nay, đó là nhờ sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước. Cùng với sự sáng tạo, sức lao động cần cù, thông minh của quân và dân đảo Song Tử Tây; Chính vì vậy quân và dân đảo Song Tử Tây nguyện mang hết tinh thần trách nhiệm của mình quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Văn Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN