Trung tâm đào tạo nghề Kon Tum: Xây lên để... đóng cửa

Chủ trương “một huyện phải có một trung tâm đào tạo nghề” tại Kon Tum đang khiến các trung tâm sau khi hoàn thành rơi vào tình trạng bỏ không, không sử dụng hết công năng, gây lãng phí rất lớn.

Các trang thiết bị được đầu tư đầy đủ nhưng thiếu học viên để thực hành.

Thực hiện theo Đề án 1956- TTCP, tỉnh Kon Tum đã chú trọng thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho công tác đào tạo nghề, sau 5 năm, toàn tỉnh Kon Tum hiện đã có 11 cơ sở dạy nghề. Với mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ 15- 51 tỷ đồng/1 trung tâm, huyện nào cũng có trung tâm dạy nghề hoành tráng với đầy đủ các phòng chức năng, khu nội trú… thế nhưng nhiều trung tâm đến nay vẫn không có bóng dáng của học viên, nhiều trung tâm chưa thể đưa vào sử dụng.

Được đầu tư bài bản, quy mô lớn với tổng vốn đầu tư hơn 25,8 tỷ đồng, Trung tâm dạy nghề huyện Đăk Hà được kỳ vọng là nơi truyền đạt nghề cho hàng ngàn người lao động, là nơi cung cấp lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. 

Kỳ vọng là thế nhưng hầu hết từ khi đưa vào sử dụng đến nay, trung tâm mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghề nông nghiệp là chủ yếu (chăm sóc cây cà phê, cạo mủ) và một số lớp phi nông nghiệp (sửa chữa máy nông nghiệp, thợ nề). Theo báo cáo của Trung tâm dạy nghề huyện Đăk Hà thì trong năm 2015, Trung tâm mở được 18 lớp, trong đó 4 lớp phi nông nghiệp với 100 học viên (hình thức đào tạo 3 tháng) và 14 lớp nghề nông nghiệp với 375 học viên. 

Ông Đỗ Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đăk Hà cho biết: Hiện nay, Trung tâm mới chỉ dừng lại đào tạo nghề nông nghiệp là chủ yếu bởi kinh tế của huyện bây giờ chủ yếu phát triển cây lâu năm như cà phê, cao su, lực lượng lao động chủ yếu là lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn không nhiều, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo không cao.

Dù cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, thế nhưng việc vắng bóng học viên đã khiến Trung tâm rộng thênh thang rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài” quanh năm. Theo đại diện của Trung tâm thì do các học viên chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên họ không muốn rời làng vào ở nội trú để đào tạo, đường đi lại xa xôi, khó khăn nên Trung tâm phải cử giáo viên vào dạy nghề tại các điểm xã, làng.

Cũng được đầu tư quy mô với tổng giá trị hơn 51,5 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng vào năm 2013, Trung tâm dạy nghề Đăk Tô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) được xem sẽ là nơi đảm bảo công tác dạy nghề cho 4 huyện phía Bắc của tỉnh Kon Tum gồm Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. 

Dù nằm ở vị thế sát tuyến đường Hồ Chí Minh, đến nay dù cơ sở vật chất đã cũ kỹ, nhiều khu nhà đã xuất hiện những vết nứt, rong rêu đã bám đầy nhưng đường vào khu Trung tâm dạy nghề vẫn còn chưa có, hiện để vào được trung tâm phải đi trên con đường đất chừng 650m với lởm chởm đá. 

Quan trọng hơn, cơ sở vật chất thì lớn, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ nhưng học viên đào tạo tại trung tâm thì chỉ được một vài lớp, hầu hết công tác đào tạo nghề đều được thực hiện theo phương thức lưu động. Tình trạng này khiến các phòng học thực hành, phòng chức năng, khu nội trú… hoang tàn, dơ bẩn. Nhiều khu chức năng như khu dành cho dạy nghề mây tre đan cỏ mọc um tum, che hết cả lối vào.

Trung tâm dạy nghề huyện Đăk Tô đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đã nhiều năm nay, nhưng đến nay đường dẫn vào trung tâm vẫn chưa có.

Ông Võ Đình Long, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đăk Tô cho biết: Hiện Trung tâm có đầy đủ các khu nhà với các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học nghề của học viên như nhà học nghề Mộc, Cơ khí… nhưng trong năm 2015 tại Trung tâm chỉ mở được 4 lớp gồm 1 lớp trung cấp, 3 lớp học mô tô, ô tô với 35 học viên/1 lớp. Còn lại đa số đang thực hiện phương án dạy lưu động tại các làng, xã.

Cơ sở lớn là vậy, đảm nhận việc đào tạo nghề cho 4 huyện phía Bắc của tỉnh Kon Tum nhưng trong năm 2015, Trung tâm dạy nghề Đăk Tô chỉ mở được 15 lớp sơ cấp 3 tháng với 530 học viên, và toàn bộ các lớp này đều thực hiện giảng dạy tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, các xã, làng.

Có thể thấy, chủ trương “một huyện được xây dựng một trung tâm dạy nghề” đã đẩy các trung tâm sau khi xây xong đều không sử dụng hết công năng, rơi vào lãng phí. Và theo như một lãnh đạo cho biết thì việc xây dựng các trung tâm dạy nghề là do “trung ương cho dự án xây dựng Trung tâm dạy nghề thì tỉnh cứ xây, sau này chuyển sang mục đích sử dụng khác cũng được”(?).

Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Dạy nghề - Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum xác nhận: Hiện nay các trung tâm dạy nghề đều được đầu tư xây dựng rất lớn, hơn khả năng đào tạo nghề của địa phương. Toàn tỉnh có 11 cơ sở dạy nghề, trong đó 10 Trung tâm dạy nghề và 1 trường Trung cấp nghề, ngoài ra còn có 3 đơn vị tham gia dạy nghề. 

Tuy nhiên thực tế mới chỉ có 6 cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện tham gia dạy nghề là Trường Trung cấp nghề Kon Tum, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Măng Đen) còn lại 5 Trung tâm dạy nghề chưa đi vào hoạt động (Trung tâm dạy nghề Đăk Glei, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Quốc đạt, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân).

Được biết, sắp tới để tránh lãng phí các trung tâm dạy nghề trên địa bàn, tỉnh Kon Tum sẽ xem xét sáp nhập các trung tâm đào tạo như Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề… thành một để tận dụng các cơ sở vật chất, tránh lãng phí.

Quang Thái (TTXVN)
Tan hoang Khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên
Tan hoang Khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên

Hơn 70 tỷ đồng đầu tư, Đà Lạt thứ 2 của tỉnh Thừa Thiên Huế giờ là khu biệt thự hoang phế, cỏ mọc um tùm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN