Trong sắc xuân Hòn Nghệ

Độ hơn 1 giờ chạy tàu lênh đênh trên biển, trong sắc nắng vàng của một ngày cuối năm, xa xa Hòn Nghệ hiện ra hiền hòa như viên ngọc bích. Nhưng ngược lại, hùng vĩ như tiền đồn giữa biển trời Tây Nam.

Với tôi xã đảo Hòn Nghệ bây giờ thay đổi lạ, dễ cũng có hơn 20 năm rồi mới có dịp về thăm. Đâu rồi lối mòn xưa ven biển? Tất cả mọi di chuyển bây giờ từ chị bán hàng rong, đến đưa đón trẻ con đi học… đều bằng phương tiện cơ giới. Khách có dịp ngồi xe gắn máy thong dong trên con đường vòng quanh đảo, đi trong màu xanh của rừng, của vườn cây ăn trái, ngắm những làng bè ken dày trên biển, xem như một lần trải nghiệm thú vị. Cái xóm nhỏ xưa êm đềm, đa phần là nhà tạm, nhà lá nằm nép mình bên Dốc Lầu Chuông, bây giờ thay bằng nhà tường, nhà ngói ra dáng vẻ phố thị đông vui lắm.

Đường dây điện vượt biển trên không đưa điện lưới Quốc gia ra đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Tiếp chúng tôi, Bí thư Nguyễn Hữu Thành cùng các anh, các chị trong Đảng ủy, Ủy Ban nhân dân xã đảo ai cũng có vẻ tất bật. Tất bật bởi hai lẽ: Vì đây là thời điểm cuối năm, mọi công việc tồn đọng cần giải quyết dứt điểm. Song cái quan trọng hơn, cũng là thời điểm sau đại hội, mọi chủ trương, nghị quyết đang chờ triển khai, cụ thể hóa nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, mở bước đi đột phá ngay từ đầu của nhiệm kỳ 5 năm 2016 - 2020.

Nhìn lại năm 2015 để cùng vui chung với cán bộ và nhân dân xã đảo Hòn Nghệ, trong tất cả mọi chi tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng… đều đạt và vượt trung bình từ 100 - 150%. Trong đó một số ngành nghề có mức tăng trưởng khá cao, điển hình như hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đạt 110% kế hoạch. Số lượng nuôi cá lồng bè trên biển đạt 109,1%. Nâng mức thu nhập bình quân đầu người cả năm 2015 đạt 29.500.000 đồng, tăng trên bình quân 1.000.000 đồng so với năm 2014. Tổng thu ngân sách nhà nước của xã 3.642.873.011 đồng, đạt 115% kế hoạch.

Nếu như hải sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, thì ngoài việc khai thác đánh bắt, trong những năm gần đây bà con ngư dân xã đảo Hòn Nghệ đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè trên biển số lượng lên đến gần 1.000 lồng bè. Đây xem như việc chuyển hướng không chỉ đúng, hợp với chủ trương, mà còn hợp lòng dân, hợp với xu thế và điều kiện tự nhiên. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng năm nay 63 tuổi, người có thâm niên gắn bó với Hòn Nghệ cho biết: Tại thời điểm này, mức đầu tư một lồng bè bình quân tiêu tốn 100 triệu đồng, trong khi tuổi thọ khai thác của nó thường kéo dài khoảng 7 đến 10 năm, đây là mức đầu tư mà người nuôi chấp nhận được. Trung bình mỗi hộ nuôi thường đầu tư 5 lồng, nhưng cũng không ít hộ có mức đầu tư số lượng lên đến hàng chục lồng bè.

Còn theo hoạch toán sơ bộ của ông Nguyễn Văn Luông (bảy Luông), một ngư dân có ít nhiều kinh nghiệm với nghề nuôi cá lồng bè ở Hòn Nghệ thì cá lồng bè năm nay được giá. Điển hình như cá Mú Sao thương phẩm có mức giá bán tại chỗ là 460.000 đồng/kg, nếu đem so sánh với mức đầu tư ban đầu từ con giống, thức ăn, thuốc phòng ngừa dịch bệnh tạm tính từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng. Mỗi vụ nuôi thường kéo dài 1 năm, xem như một lãi một là cầm chắc. Ngoài con cá mú sao, cá trân châu có giá bán tại chỗ 220.000 đồng/kg, cá bớp 150.000 đồng/kg đều tăng hơn năm trước. Tuy mức độ đầu tư cho từng loại cá nuôi có khác nhau, nhưng mức lãi so ra cũng ngang bằng nhau về tỉ lệ. Tuy chưa có thống kê chính xác, nhưng xem ra “hàng trận” bà con ngư dân gia nhập Câu lạc bộ tỷ phú nuôi cá lồng bè ở xã đảo Hòn Nghệ, đâu có thua kém gì so với một số xã đảo khác trong tỉnh.

Mặt được là vậy, nhưng xem ra mặt trái của nghề nuôi cá lồng bè cũng lắm nhiêu khê, chỉ riêng năm 2015 dịch bệnh làm cá chết hàng loạt, dẫn đến con số thiệt hại lên đến hơn 15 tỉ đồng. Con số so ra, cao hơn gấp gần 3 lần so với tổng thu ngân sách. Cho đến bây giờ, hai từ dịch bệnh vẫn còn là một khái niệm chung, nhưng cụ thể nó là loại bệnh dịch gì? Nguyên nhân nào dẫn đến? Xem ra vượt quá khả năng của những “Tỉ phú chân đất” nuôi cá lồng bè ở Hòn Nghệ. Trong khi giải pháp phòng ngừa, giảm bệnh hại… còn phải tiếp tục chờ, từ phía nhà chuyên môn.

Ngoài một số chỉ tiêu về kinh tế - văn hóa - xã hội, xã đảo Hòn Nghệ còn có những chỉ tiêu khác mà ít ai để ý. Bởi nó luôn hiển hiện trong từng người dân, mỗi hộ gia đình. Đó là phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào Quốc phòng toàn dân; phong trào an ninh trật tự, an toàn xóm, ấp… Đây có thể xem là một nền tảng vững chắc, cho xã đảo Hòn Nghệ phát triển không chỉ bây giờ và cả trong tương lai. Là một xã đảo giữa biển khơi, đại đa số bà con ngư dân sống bằng nghề biển, nhưng cả năm không có một ai là ngư dân Hòn Nghệ vi phạm quy chế đánh bắt, quy chế hành nghề trên biển. Một số tệ nạn xã hội gần như không có chỗ dung thân ở Hòn Nghệ, xe gắn máy “xịn” để qua đêm trước hiên nhà trong tình trạng vẫn còn tra chìa khóa, mà không lo bị mất cắp. Đây xem như một chỉ số an toàn được chứng minh từ hiệu quả của phong trào nói trên. Không phải người dân bản xứ, mà bất cứ ai có dịp một lần đến Hòn Nghệ đều cảm thấy an toàn và thân thiện là vậy.

Hòn Nghệ đang còn một thế mạnh, nó không chỉ tiềm ẩn mà đang trở thành hiện thực. Đó là thế mạnh về du lịch, chỉ riêng năm 2015 số lượng khách du lịch đến Hòn Nghệ cao gấp 3 lần so với dân bản địa và con số đó còn tiếp tục tăng trong những năm tới, ngoài yếu tố tự nhiên do khoảng cách địa lý giữa đất liền với Hòn Nghệ bây giờ không phải là mối bận tâm như trước. Tàu chậm, tàu nhanh đều có cả. Thế mạnh du lịch ở Hòn Nghệ gồm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái là chủ lực. Riêng mảng du lịch sinh thái còn đang tiềm ẩn rất nhiều hấp dẫn, bởi sản vật ở đây vô cùng phong phú. Nếu như khéo chế biến thì con cá Lù Đù, cá Mối cũng trở thành đặc sản, nói gì đến mực tươi, mực một nắng, ghẹ xanh, tôm biển…. Trái cây đặc trưng ở Hòn Nghệ có dừa, xoài, mít, thanh trà, riêng xoài Hòn Nghệ từ lâu được người tiêu dùng gọi bằng cái tên chung “Xoài Hòn”. Nó khác với xoài Cát Hòa Lộc (Mỹ Tho, Cao Lãnh, Cần Thơ). Được cái trong vị ngọt có pha lẫn một chút chua nên ăn hoài không ngán, giá cả thì tha hồ rẻ.

Tôi nhớ có lần ăn một tô canh rau Kim Thất nấu với thịt bằm ở đất Sài Gòn, có mức giá gần cả trăm nghìn đồng. Từ đó, tiếc rẻ hoài cho một loại rau có tên Kim Thất, vốn xem như một loại rau rừng có nhiều ở Hòn Nghệ. Tôi mơ có một ngày những món ăn dân dã như khô cá Lù Đù, rau Kim Thất nấu với tôm, rượu Thanh Trà - Hòn Nghệ được nhiều du khách lựa chọn mỗi khi có dịp về thăm Hòn Nghệ. Nói thế để thấy rằng, cụm từ “thương hiệu” chẳng phải gì cao siêu, có chăng là do con người biết tạo dựng mà ra.

Trước khi rời đảo, tôi không chỉ nhận biết mà còn đồng cảm, mang theo những điều tâm tư từ phía các anh lãnh đạo trong Đảng ủy, Ủy Ban nhân dân cũng như bà con xã đảo Hòn Nghệ. Đó là những suy nghĩ tâm tư về mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, làm sao khắc phục được dịch bệnh trong nuôi trồng, làm sao để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay… Đó là những tâm tư rất thật.

Nhưng tôi luôn tin ở những con người vừa trầm tĩnh mà quyết đoán như Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Thành, tin ở Lâm Việt Thuần - một Chủ tịch Ủy ban nhân dân trẻ luôn giàu nhiệt huyết và năng động, tin ở cựu Bí thư xã Nguyễn Công Trải - người luôn được dân tin yêu và nhắc đến. Và hơn hết, tin ở khối đoàn kết thống nhất từ đoàn thể, cơ quan ban ngành, tin ở bà con lương, giáo xã đảo Hòn Nghệ luôn chung tay để quê hương mãi thắm sắc xuân.
Lê Nam Thắng
Giao thừa sớm ở đảo Sinh Tồn
Giao thừa sớm ở đảo Sinh Tồn

Để chia tay cán bộ, chiến sỹ, các hộ gia đình sinh sống, công tác tại đảo nghỉ phép, hoàn thành nhiệm vụ vào bờ, Ban Chỉ huy đảo Sinh Tồn tổ chức đón giao thừa sớm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN