Trò chuyện với phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam

Là người Việt Nam đầu tiên được nhận vào Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh (The Royal Institution of Great Britain), con đường nghiên cứu khoa học tại nhiều nước trên thế giới rộng mở nhưng vị tân Phó giáo sư (PGS) trẻ nhất Việt Nam Nguyễn Khánh Diệu Hồng vẫn trở về Việt Nam để tiếp tục những đề tài nghiên cứu, phục vụ phát triển khoa học nước nhà.

Không nơi nào sung túc như quê hương


Những ngày cuối năm 2012, giới khoa học nước nhà đón nhận tin từ Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước: “Ngôi vị” PGS trẻ nhất thuộc về Tiến sĩ Nguyễn Khánh Diệu Hồng, sinh năm 1981, đang công tác tại Viện Kỹ thuật Hóa học, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.


Tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2004, chị Hồng được học bổng và chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại trường University College London - một trong những trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ năm 2007, chị là người Việt Nam đầu tiên được nhận vào Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh. Con đường nghiên cứu khoa học rộng mở tại nước ngoài nhưng chị vẫn quyết định về Việt Nam để tiếp tục đề tài nghiên cứu của mình.


Khi được hỏi về lựa chọn này, chị tươi cười: “Nhiều người cứ nghĩ ở lại nước ngoài làm việc là sung sướng nhưng với tôi, môi trường làm việc tại quê hương vẫn khá thuận lợi. Ở Anh môi trường làm việc khá thân thiện, thoải mái, nhưng nhóm nghiên cứu quy mô nhỏ và mình phải cáng đáng rất nhiều việc. Trong khi ở Việt Nam nhóm nghiên cứu của tôi nhận được sự hỗ trợ của đông đảo các cộng sự. Mọi người chia sẻ được với nhau rất nhiều về ý tưởng khoa học”.


Thành tích của PGS Nguyễn Khánh Diệu Hồng:

Từ năm 2005 - 2007:Huy chương vàng Quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (Award of World Interllectual Property Organization) dành cho tài năng trẻ sáng tạo nhất (Best Young Inventor Award) 2004; Bằng khen “Người tốt việc tốt” của Thành ủy Hà Nội, Huy chương “Vì tuổi trẻ sáng tạo” do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 2005, Huy chương vàng chợ công nghệ Việt Nam năm 2005; Năm 2009: Bằng khen của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho thanh niên tiêu biểu thủ đô Hà Nội; Năm 2010: Giải nhất “Sáng tạo trẻ” của thủ đô Hà Nội lần thứ 7; Năm 2011: Giải thưởng bài báo xuất sắc tại Hội nghị khoa học châu Á về công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo tại Băngcốc.

Đánh giá điều kiện nghiên cứu trong nước, chị Hồng cho rằng, môi trường nghiên cứu ở ĐH Bách khoa Hà Nội tương đối thuận lợi. Những máy móc phục vụ nghiên cứu khoa học vẫn được đáp ứng khá đầy đủ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những công trình khoa học đi vào thực tiễn, trường đã thành lập Công ty Bách khoa nhằm giúp các nhà khoa học chuyển giao khoa học công nghệ.


Ý tưởng nghiên cứu khoa học liên quan đến nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường của chị Hồng đã được ứng dụng, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như: các chất tẩy rửa sinh học, chất tẩy rửa trong dệt may, dung môi tẩy mực in, dung môi sinh học pha sơn… “Với sự cộng tác của những cộng sự tốt tại đây, mỗi đề tài thành công không chỉ có ý nghĩa cá nhân mà còn là công sức lao động khoa học của cả một tập thể”, chị Hồng khẳng định.


Không chỉ hài lòng về môi trường nghiên cứu, theo chị Hồng còn một khía cạnh khiến chị quyết tâm trở về quê hương là được sống gần những người thân. Nhớ lại những tháng ngày học tập ở Anh, chị Hồng tâm sự: “Có lần bị ốm, tôi cố gắng mới ngồi dậy được. Khi đó, bạn bè người đi học, người bận đi làm. Lúc đó chỉ thèm có bát cháo thôi nhưng không thể tự nấu được. Những lúc như vậy tôi luôn tự động viên mình nếu không cố gắng thì sẽ không vượt qua được. Nhưng khi về nhà, bên cạnh những người thân, bạn bè thì được động viên rất nhiều. Không phải lo ốm mà chỉ có một mình” (cười).


Theo nữ PGS, một nhà khoa học muốn thành công phải có hướng nghiên cứu cho riêng mình và kiên trì đi theo con đường đó. Thành công trong nghiên cứu khoa học có rất nhiều yếu tố như: kiến thức, kinh phí, môi trường làm việc, và hơn cả là đội ngũ cộng sự ăn ý.


Gia đình là bệ đỡ vững chắc


Để có được sự thành công hiện nay, theo chị Hồng, là nhờ một phần không nhỏ vào sự hỗ trợ của gia đình. “Nhiều người cũng đặt câu hỏi với tôi là công việc khoa học bận rộn như vậy thì thời gian đâu cho gia đình. Liệu gia đình có là “vật cản” cho nghiên cứu không? Tôi khẳng định là không. Chính gia đình, người thân là bệ đỡ vững chắc cho tôi thành công trong sự nghiệp”, chị chia sẻ.


Dù hàng ngày phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc con gái mới 10 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, nhưng với chị đó lại là niềm hạnh phúc lớn lao. Nhà gần trường nên tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị lại về nhà chăm sóc con.


Bận rộn với việc nghiên cứu, không có thời gian hàng ngày nấu ăn nhưng mỗi dịp cuối tuần rảnh chị đều vào bếp. “Tôi rất thích nấu ăn, nhất là nấu cho người thân các món ăn họ yêu thích như: bún bò Huế, phở.... Đó là khoảng thời gian giúp tôi gần gũi hơn với gia đình và phần nào thực hiện vai trò người con dâu, người vợ, người mẹ trong gia đình”, chị nói và cho biết thêm, kỹ năng nội trợ này chị rèn luyện được trong thời gian ở Anh.


Đam mê hội họa từ khi còn nhỏ, chị Hồng xem đó là một trong những nguồn vui để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. “Lúc căng thẳng tôi thường cầm cọ, giá vẽ và tìm cho mình một chỗ để vẽ. Mỗi bức vẽ hoàn thành đều mang lại sự thoải mái, dễ chịu trong tâm hồn, và giúp tôi tìm lại cảm hứng trong công việc”.


“Với một người phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học, khó khăn không phải là ít nhưng tôi luôn tự động viên mình phải cố gắng và nỗ lực để vượt qua. Tôi vẫn còn rất trẻ, vì thế còn cả chặng đường dài phía trước để học hỏi và phấn đấu”, nữ PGS 31 tuổi chia sẻ.



Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN