Triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn: Hiệu quả từ liên kết “3 nhà”

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đề ra mục tiêu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề là 80%. Đạt được mục tiêu này là việc làm không đơn giản, cần có sự vào cuộc và phối hợp của các cấp, các ngành, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp… Mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông- người học, nhà trường- người đào tạo, nhà sử dụng lao động- doanh nghiệp) được xem là hướng đi hiệu quả để bảo đảm thực hiện được mục tiêu dạy nghề gắn với việc làm của đề án.

Những mô hình tốt

Công ty TNHH Phú Cường (quận Kiến An- TP Hải Phòng) từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nông dân khi bà con muốn tìm hiểu, học nghề mới. Để đáp ứng nhu cầu học nghề của bà con, công ty này đã thành lập trung tâm dạy nghề với tham vọng giúp nông dân tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Phú Cường cho biết, để làm được điều đó, Trung tâm đã xây dựng chương trình đào tạo nông dân các kỹ năng sản xuất nông nghiệp dựa trên công nghệ cao. Sản phẩm nông dân làm ra sẽ được công ty bao tiêu toàn bộ.

Trong khi đó, Trường Trung cấp Dạy nghề huyện An Dương (TP Hải Phòng) lại có cách làm khác. Trường nhận hàng của doanh nghiệp (DN) về sản xuất tại xưởng, vừa rèn tay nghề, vừa tạo thêm thu nhập cho học viên. Học viên về danh nghĩa là công nhân của DN, được đóng bảo hiểm, hưởng một số chế độ, song lại học tại trường. Với những ngành đòi hỏi làm trên hệ thống máy móc hiện đại, người học được thực hành ngay tại cơ sở sản xuất của DN. Khi khai giảng lớp học, 100% học viên đều được các công ty ký cam kết tuyển dụng. Mô hình DN trong nhà trường, nhà trường trong DN không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn mở ra cơ hội việc làm cho người lao động.

Lớp dạy nghề may công nghiệp cho nông dân xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Ảnh : Đình Huệ -TTXVN

Tại xã Hải Đường (Hải Hậu- Nam Định), việc liên kết “3 nhà” trong công tác đào tạo nghề cho nông dân cũng mang lại kết quả khả quan. Là xã thuần nông, dân cư đông (13.000 người, trong đó có 6.000 lao động) nên việc chuyển đổi cơ cấu lao động để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân là điều bức thiết, nhất là khi Hải Đường lại được chọn là 1 trong 11 xã điểm trên cả nước thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền xã tích cực du nhập thêm nghề mới như dệt đay, đan bẹ chuối, cói..., đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nam Định, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu tiến hành dạy nghề cho hàng trăm lao động. Một số gia đình đã mở xưởng may gia công, thu hút khoảng 100 lao động tham gia, với thu nhập 1,2 – 1,5 triệu đồng/người/tháng; nhiều hộ mở xưởng thêu ren, giải quyết việc làm cho 50 lao động, với thu nhập 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng.

Hiện xã đang tiếp tục nhân cấy một số nghề mới như mộc, thủ công mỹ nghệ để nâng số lao động tham gia làm nghề phụ lên 600 – 700 người. Và mới đây nhất, xã phối hợp với ngành chức năng, Công ty cổ phần May Haproximex Giao Thủy mở lớp dạy may cho 300 học viên. Sau khi hoàn thành khóa học, hơn 100 học viên đã tìm được việc làm.

Liên kết chặt chẽ- yếu tố then chốt

Có thể khẳng định, để công tác đào tạo nghề cho nông dân đạt hiệu quả, sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa “3 nhà” là điều cần thiết, là yếu tố quyết định đến thành công. Theo đó, người học phải xác định việc học nghề là cơ hội rất lớn nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng suất lao động và thu nhập. Vì vậy, trước khi tham gia học nghề phải xác định được nhu cầu học thực sự, xem nghề đó có phù hợp với khả năng và sở thích của mình không. Bên cạnh đó, ngành chức năng, các chuyên gia cũng tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp để nông dân lựa chọn nghề học thích hợp.

Về phía nhà trường, cần phải có chương trình giảng dạy phù hợp với đối tượng đặc thù là lao động nông thôn. “Đặc thù của họ là trình độ học còn hạn chế, sản xuất theo kinh nghiệm là chủ yếu. Thay vì cách học “hàn lâm”, nặng lý thuyết, các cơ sở đào tạo nên chú trọng việc thực hành, cầm tay chỉ việc”, ông Nghiêm Trọng Quý, Phó tổng Cục Trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết. Liên tục đổi mới các hình thức tổ chức đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Bên cạnh các chương trình đào tạo chính quy, tập trung nên có những chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo ngay tại thôn, bản, ngay trên ruộng đồng với đội ngũ giáo viên là những chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thậm chí là những nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi.

Phía DN cần xem công tác đào tạo nghề cho người lao động là chiến lược nhân sự để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. DN cũng có thể hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung. Ngoài ra, việc tham gia đào tạo nghề cho nông dân còn thể hiện trách nhiệm xã hội của DN.

Qua thực tế cho thấy, để đào tạo nghề cho nông dân đạt hiệu quả thì mối liên kết giữa “3 nhà” đóng vai trò quan trọng. Tất nhiên, để mối liên hệ này bền vững rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của “3 nhà”. Về chính sách cần có chế độ khuyến khích đầu tư cho các DN, tạo ra cơ chế phối hợp và thấu hiểu nhau giữa nhà trường và DN. Các địa phương cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề và chỉ có sự phối hợp đồng bộ như thế, chúng ta mới đạt được mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn.

Lý Hà
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN