Trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư

Thành phố Hà Nội hiện có 2,7 triệu lao động trong khu vực có quan hệ lao động. Theo khảo sát, mức thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, công nhân không mua nổi nhà xã hội giá 1,5-2 tỷ đồng mỗi căn.

Chú thích ảnh
Một dãy nhà trọ cho công nhân thuê tại thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: XC

Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết: "Nhà ở là vấn đề cấp thiết, bức xúc với công nhân lao động nói chung, công nhân ở khu công nghiệp chế xuất nói riêng".

Theo thống kê của các cấp công đoàn Hà Nội, thành phố có khoảng 2,7 triệu lao động làm việc tại 270.000 doanh nghiệp, 80% trong số này là người ngoại tỉnh. Riêng các khu công nghiệp thu hút khoảng 165.000 người và nhà ở vẫn là vấn đề bức xúc nhất với lao động.

Hà Nội là địa phương đầu tiên dùng tiền ngân sách để xây dựng khu nhà cho công nhân thuê ở ở Kim Chung (Đông Anh). Tuy nhiên, khu này mới đáp ứng được 30% nhu cầu công nhân, 70% còn lại phải thuê trọ ngoài dân cư.

“Nhà ở công nhân Kim Chung tồn tại nhiều bất cập, hàng loạt phòng trống nhưng lao động không thuê được hoặc thiết kế không hợp lý. Tại đây, tuy còn phòng trống nhưng công nhân không tiếp cận được. Bên cạnh đó, công năng phòng ở không phù hợp với thực tế. Đơn cử, một căn hộ chung cư, tập thể thiết kế cho 20 công nhân ở nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh. Công nhân làm ca đến giờ đồng loạt bật dậy đi làm sẽ rất bất cập”, ông Tạ Văn Dưỡng cho biết.

Đây cũng là một trong những chủ đề được công đoàn cơ sở tại Hà Nội kiến nghị tại Đại hội công đoàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 16 - 17/10. “Đồng thời, đây cũng là những góp ý từ phía công đoàn Hà Nội vào nội dung Luật Nhà ở sửa đổi với mong muốn có cơ chế cho người thu nhập thấp tiếp cận với mức giá hợp lý”, ông Dưỡng cho biết.

Ông Hà Đông, Trưởng ban tuyên giáo Liên đoàn Lao động Hà Nội, cho rằng để người lao động cống hiến cho thành phố, ngoài đảm bảo thu nhập, các cấp chính quyền cũng cần quan tâm đến nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa cho công nhân. Các khu công nghiệp hiện thiếu trầm trọng nơi vui chơi giải trí cho người lao động vì quỹ đất lẫn nguồn lực có hạn.

"Do đó, trong tương lai khi thành lập khu công nghiệp mới, thành phố cần dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế này, nâng cao đời sống để lao động gắn bó với thủ đô", ông Hà Đông cho biết.

XM/Báo Tin tức
Các đơn vị tự chủ động kiểm tra, rà soát về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ
Các đơn vị tự chủ động kiểm tra, rà soát về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ

Sáng 13/10, Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương đã tổng kết Tháng Hành động về ATVSLĐ 2023 và kế hoạch tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN