Trẻ có thể tử vong khi lên cơn hen cấp lúc giao mùa

Thời gian gần đây, tại các bệnh viện, gia tăng số trẻ em nhập viện trong tình trạng bị lên hen cấp. Làm cách nào để giúp trẻ tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm như thế?


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (ảnh), Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trao đổi với Tin Tức xung quanh các biện pháp phòng tránh.

 

´Thưa ông, tại sao thời điểm này trẻ lại thường hay lên cơn hen cấp?


Nhiều nghiên cứu của chúng tôi cho thấy yếu tố nghi ngờ khởi phát cơn hen cấp ở trẻ nổi trội nhất là thay đổi thời tiết, các viêm nhiễm đường hô hấp trên cũng là những yếu tố kích thích gây cơn hen ở trẻ em, sau đó mới là các hoạt động gắng sức...


 

Trẻ bị lên cơn hen cấp có xu hướng tăng cao hơn trước.

Giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, thậm chí một ngày tồn tại nhiều hình thái thời tiết khác nhau, sáng lạnh, trưa và chiều chuyển nóng, tối và nhất là ban đêm thì nhiệt độ lại giảm mạnh. Kiểu thời tiết này tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển và “tấn công” trẻ nhỏ, đối tượng vốn khó thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Do đó, thời gian gần đây, trẻ bị hen hoặc lên cơn hen cấp có xu hướng tăng hơn trước, phần lớn các cháu nhập viện lúc nửa đêm, gần sáng.


´Khi trẻ bị lên cơn hen cấp, các bậc cha mẹ cần làm gì, thưa ông?


Khi lên cơn hen, trẻ có biểu hiện khò khè, khó thở ở nhiều mức độ khác nhau (thở ra khó khăn, kéo dài, thở nhanh hay co lõm lồng ngực). Lúc này, các bậc cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông đã được thầy thuốc hướng dẫn).


Cơn hen cấp nguy hiểm có thể làm ngừng hô hấp và khiến trẻ tử vong. Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi trẻ không bớt khó thở hoặc chỉ giảm tạm thời sau dùng thuốc cắt cơn. Trẻ nói năng khó nhọc, không thể nói thành câu liên tục. Trẻ khó thở nhiều, phải ngồi thở, co kéo vùng chung quanh xương sườn và vùng cổ. Trẻ bị tím tái (là dấu hiệu nguy kịch).


´Có thể phòng tránh các cơn hen cấp cho trẻ không?


Nên tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố kích thích cơn hen: Phấn hoa, bụi, khói, lông động vật... Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là những hôm thời tiết thay đổi thất thường, nhất là đang nóng lại trở lạnh đột ngột. Chú ý đề phòng và chữa sớm những nhiễm khuẩn hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng... Những bệnh nhiễm khuẩn này thường làm cơn hen tái phát.


Cần cho trẻ tránh xa khói thuốc lá, nếu người lớn hút thuốc trong nhà sẽ khiến tình trạng hen của trẻ em nghiêm trọng hơn. Cẩn thận với thức ăn hằng ngày, qua nghiên cứu thực tế cho thấy: sữa, trứng và thức ăn nhanh là những món ăn thường gây nên cơn hen. Đồng thời tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng...


Lưu ý, nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ...


Bên cạnh việc giữ cho trẻ tránh xa những nguyên nhân khởi phát cơn hen cấp, các bậc phụ huynh còn cần dự phòng hen cho trẻ, tức là nên đăng ký kiểm soát hen lâu dài cho trẻ tại một một cơ sở chuyên khoa (ít nhất là 18 tháng). Trong thời gian này, dù trẻ không bị lên cơn hen thì các bậc phụ huynh vẫn phải đưa con tới khám theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng thấy con có vẻ đỡ thì không đưa con tới khám nữa. Bởi vì bề ngoài trẻ không có triệu chứng gì nhưng bệnh hen vẫn tiềm ẩn trong cơ thể và có thể dễ dàng khởi phát bất cứ lúc nào.


Hiện nay, cả tây y lẫn đông y đều chưa thể chữa dứt hen. Tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh hen, nghĩa là có thể giúp bệnh nhân ít hay không lên cơn, không nhập viện và có thể có cuộc sống, sinh hoạt, làm việc bình thường, đặc biệt có thể giảm được tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra.
Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN