TP.HCM: Dự án chống ngập... gây ngập

Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã đưa ra hàng loạt các giải pháp chống ngập nhưng đến nay thành phố vẫn còn tồn tại rất nhiều điểm ngập. Trong kỳ họp hội thứ 12 Hội đồng nhân dân HCM khóa 8 nhiều đại biểu cho rằng chương trình chống ngập của thành phố vẫn chưa đạt hiệu quả cao và chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân.


Tiến độ thực hiện dự án chậm


Các dự án lớn về chống ngập ở thành phố đang được thực hiện, tuy nhiên tiến độ thực hiện các dự án này rất chậm gây bức xúc cho nhiều cử tri. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thu thắc mắc: Khi nào thì dự án kênh Tham Lương - Bến Cát trên địa bàn quận Bình Tân được thực hiện xong? (dự án này đã kéo dài từ năm 2002). Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú cũng bức xúc: dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập của thành phố dự kiến với số vốn là 11 ngàn tỷ đồng, thời gian thực hiện 2008-2017. Nhưng đến nay số vốn đầu tư của dự án đã lên mức 50 ngàn tỷ và dự kiến đến năm 2020 mới hoàn thành. Dự án này thực hiện quá chậm và tốn nhiều vốn vậy thực tế khó khăn do đâu? Theo các đại biểu, dự án chậm hoàn thành và kéo dài gây thiệt hại về tài chính nhà nước và người dân. Cần có mốc hoàn thành cụ thể để người dân yên tâm.


Ngập úng trên tuyến đường An Dương Vương (quận Bình Tân) tối 4/12. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Lý giải cho việc chậm trễ của các dự án trên ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập thành phố cho rằng: dự án kênh Tham Lương - Bến Cát và Nước Lên được phê duyêt vào năm 2002 và năm 2007 được UBND thành phố điều chỉnh, nhưng đến năm 2008 thủ tướng chính phủ đã đặt vấn đề về biến đổi khí hậu đã tác động đến thành phố quá lớn cho nên toàn bộ các dự án phải tính toán lại. Do đó, dẫn đến các dự án phải kéo dài. Bên cạnh đó, dự án kênh Tham Lương - Bến Cát kéo dài 32km trên 7 địa bàn với tổng số hộ dân được đền bù là trên 2200 hộ dân đến nay chỉ còn lại 499 hộ dân chưa chịu di dời đền bù. Trong năm 2013 UBND thành phố đã có yêu cầu các quận Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, quận 12 phải giải quyết dứt điểm giải tỏa mặt bằng để đến ngày 31/12/2013 giao cho Trung tâm điều hành chống ngập nước để khởi động dự án trên. Ông Công cho biết: "Tuy mặt bằng không có nhưng trong những năm qua chúng tôi cũng tiến hành nạo vét thông cống dòng chảy được 31km/ 32km. Chúng tôi kết hợp lấy đất ở dưới kênh đắp lên 2 bên bờ và bố trí 46 cửa xả đã góp phần giải quyết các điểm ngập lớn ở các quận này".


Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Công khẳng định, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình kéo giảm ngập 108km2 cho khu vực trung tâm. Song triều cường và mưa lớn vẫn khó thoát ngập. Muốn giảm ngập bền vững cho toàn thành phố cần phải đầu tư kiểm soát triều tại 3 cống Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân. Giai đoạn 2015-2020, tiếp tục đầu tư hoàn thiện cống ở vùng ngoại biên để nhằm giảm ngập trong thành phố.


Phát sinh nhiều điểm ngập mới


Mỗi khi triều cường hay mưa lớn, người dân TP.HCM từ các quận nội thành đến các huyện ngoại thành đều chịu cảnh "bì bõm" lội nước. Các điểm ngập cũ chưa được xóa bỏ hết thì các điểm mới lại mọc lên.


Đại biểu Võ Văn Sen bức xúc: Có thể nói, chương trình chống ngập, tái ngập hiện nay không hiệu qua bởi các điểm ngập mới phát sinh nhiều hơn các điểm ngập cũ đã được xóa bỏ. Cụ thể, trong năm 2013 chúng ta xử lý cơ bản được 3 điểm ngập, xóa hẳn được 4 điểm ngập, xử lý được 2 điểm ngập do triều cường tổng cộng là chúng ta đã xử lý và xóa bỏ được 9 điểm ngập, trong khi đó chúng ta lại phát sinh ra thêm 21 điểm ngập. Nghĩa là giảm được 9 điểm ngập thì chúng ta lại tăng thêm 12 điểm mới. Trong 21 điểm ngập mới này có nhiều điểm ngập nặng, một số điểm ngập mới là do các công trình thi công gây cản dòng chảy. Có thể nói, chương trình chống tái ngập không phải là không bền vững mà không hiệu quả.


Đại biểu Trương Lâm Danh còn băn khoăn: Dự án chống ngập mà gây ngập thì xử lý thế nào và nếu không có biện pháp xử lý thì gây khó khăn cho chương trình chống ngập của thành phố.


Trước những thắc mắc của các đại biểu, ông Nguyễn Ngọc Công thừa nhận: Có tình trạng các dự án chống ngập gây ngập ở các điểm khác vì một số dự án làm ngăn chặn dòng chảy dẫn đến dòng chảy không hợp lý, như dự án Tân Sơn Nhất- Bình Lợi, kênh Tân Hóa- Lò Gốm... Bên cạnh đó, hiện nay triều cường đang diễn biến rất phức tạp nên gây khó khăn trong công tác chống ngập úng cho dù chúng ta ở nơi có địa hình cao nhưng nếu không có cống thoát nước tốt thì vẫn ngập.


Đánh giá về công tác chống ngập của thành phố bà Nguyễn Thị Quyết tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng: công tác chống ngập của thành phố đã đạt được những thành quả tích cực, nhiều dự án đã được triển khai và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, còn nhiều dự án chậm do nhiều nguyên khác nhau: như không bàn giao mặt bằng, công tác kiểm tra giám sát chưa được quyết liệt, chưa đủ mạnh dẫn đến các chủ đầu tư không thực hiện dự án đúng tiến độ. Cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh các tiến độ của các dự án. Đồng thời phải bảo vệ kênh rạch để tạo dòng chảy tự nhiên và tuyên truyền cho người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường vì chính những hành động xả rác xuống kênh rạch là một trong những nguyên nhân gây ngập úng.


Đan Phương

Triều cường lịch sử gây ngập sâu trung tâm Thủ Dầu Một
Triều cường lịch sử gây ngập sâu trung tâm Thủ Dầu Một

Sáng sớm nay 5/12, triều cường đạt đỉnh 1m68 đã khiến một số tuyến đường thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) ngập trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN