TP Hồ Chí Minh ngăn chặn dịch lợn tai xanh

Hiện hai tỉnh giáp ranh TP Hồ Chí Minh là Bình Dương và Đồng Nai vẫn còn dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày, do đó nguy cơ thành phố sẽ trở thành nơi tiêu thụ thịt lợn tai xanh và đàn lợn của thành phố bị nhiễm dịch là rất cao. Trước tình hình trên, TP Hồ Chí Minh đang ráo riết thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này.

 

Khó kiểm soát


Theo Cục Thú y, trên cả nước còn 5 tỉnh có dịch lợn tai xanh vẫn chưa qua 21 ngày là Đồng Nai, Bình Dương, Đắk Lắk, Nghệ An và Lạng Sơn. Cụ thể, tại Đồng Nai có 5 xã đang bị dịch lợn tai xanh, làm 2.390 con mắc bệnh, 834 con chết; tỉnh Bình Dương cũng có 5 xã bị dịch lợn tai xanh với 962 con mắc bệnh, 827 con chết. Vì vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, nguy cơ lợn bệnh vào thành phố là rất dễ.


 

Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt không rõ nguồn gốc vào TP Hồ Chí Minh.

 

Kể từ khi hai tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh xuất hiện dịch lợn tai xanh, lượng thịt gia súc không qua kiểm dịch liên tiếp được phát hiện tại các trạm kiểm dịch ở cửa ngõ thành phố. Cụ thể gần đây nhất, tổ liên ngành phối hợp với đội CSGT Rạch Chiếc tại chốt chặn ngã ba 621 đã lần lượt phát hiện vụ vận chuyển 235 kg thịt lợn đựng trong giỏ nhựa lớn, tiếp đến là vụ vận chuyển 224 kg thịt lợn trong hai bao tải. Toàn bộ lô hàng trên vận chuyển từ Đồng Nai vào thành phố để tiêu thụ đều không có giấy kiểm soát giết mổ, lấy giấy chứng nhận kiểm dịch và đã bị tiêu hủy theo đúng quy định.


Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ đầu năm đến nay thành phố đã phát hiện 2.600 trường hợp giết mổ và vận chuyển gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc với tổng số tiền phạt là 2,7 tỷ đồng. Chỉ tính riêng cửa ngõ Thủ Đức từ đầu năm đến nay lực lượng thú y đã phát hiện 244 trường hợp như trên. Còn tại cửa ngõ phía Tây thành phố, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh liên tục phát hiện nhiều trường hợp giết mổ không qua kiểm dịch. Cụ thể, vào đầu tháng 7, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh cũng phát hiện 2 lò giết mổ lợn lậu ở xã Vĩnh Lộc B đang xẻ thịt hàng chục con lợn không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định số lợn giết mổ này đều bị nhiễm dịch bệnh tai xanh.


Theo Trạm trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh, phần lớn những lò giết mổ lậu đều sử dụng các loại lợn trôi nổi và lợn bệnh. Bên cạnh đó, đa số những người giết mổ lậu là từ các tỉnh khác đến thuê mướn nhà, khi bị phát hiện thì bỏ trốn và chuyển sang địa điểm khác để tiếp tục giết mổ nên rất khó xử lý. Ngoài ra, việc phát hiện và xử lý những người vận chuyển và giết mổ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, công tác xử phạt hành chính đối với những người này vẫn chưa đủ răn đe.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: Hiện nay, các đối tượng vận chuyển thịt lợn lậu vào thành phố rất “manh động”, chúng tìm mọi cách để qua mặt các trạm kiểm dịch như: vận chuyển bằng xe thô sơ, tìm đường tắt để né các trạm. Trong thời gian qua, đa số các vụ phát hiện lợn bệnh vào thành phố chủ yếu là các đối tượng vận chuyển bằng phương tiện lớn, còn những phương tiện cá nhân thì rất khó khăn.

 

Chủ động chống dịch


Hiện tổng đàn lợn của TP Hồ Chí Minh là 331.950 con (tăng 6,1% so với cùng kỳ 2011), trong đó đàn nái 48.491 con, đàn thịt 192.604 con, được nuôi tại 9.151 hộ chăn nuôi và 3 trang trại quốc doanh. Đàn lợn tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Củ Chi (chiếm 44,2%), Bình Chánh (16,5%), Hóc Môn (12,8%). Quy mô chăn nuôi bình quân là 36,3 con/hộ. Do đó, để đàn lợn của thành phố không bị lây lan dịch bệnh từ các tỉnh lân cận, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra nguồn lợn từ các tỉnh có dịch bệnh; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố.


Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các trạm thú y quận, huyện chủ động giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp bao vây dập dịch kịp thời. Quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lợn không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch… Đặc biệt lưu ý khu vực có ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi tập trung, các hộ chăn nuôi tạm cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y thành phố đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập huấn cho người chăn nuôi sản xuất, kinh doanh về biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc như, khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên tiêm vắcxin tai xanh. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi lợn không giấu dịch, không mua lợn bệnh, không bán chạy lợn mắc bệnh, không tự vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch và không vứt xác lợn nghi mắc bệnh bừa bãi. Riêng thời điểm hiện tại phải hạn chế nhập lợn mới, nếu có nhu cầu nhập lợn phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất phát từ nơi không có dịch bệnh và phải khai báo khi nhập gia súc.


Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên kết với 117 cộng tác viên để cung cấp các thông tin thịt bẩn và tiếp tục kiểm tra để đảm bảo ATVSTP trong những tháng cuối năm. UBND TP Hồ Chí Minh còn chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện tập trung kiểm soát những lò giết mổ gia cầm trái phép từng bị phát hiện để kịp thời phát hiện ra lợn tai xanh vào thành phố.

 

Bài và ảnh: Đan Phương

Chậm công bố chính sách hỗ trợ, dịch tai xanh lan nhanh
Chậm công bố chính sách hỗ trợ, dịch tai xanh lan nhanh

Hai tuần qua, mặc dù không có thêm tỉnh nào xuất hiện dịch tai xanh nhưng tại các địa phương có dịch cũ đã tiếp tục phát sinh ổ dịch mới và dịch tiếp tục lây lan nhanh, do nhiều địa phương chậm công bố chính sách hỗ trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN