TP Hồ Chí Minh: Mặn xâm nhập đe dọa nhà máy nước

Hai nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức cung cấp một nửa lượng nước cho người dân TP.HCM đang đối mặt với tình trạng phải ngưng hoạt động do hiện tượng xâm mặn tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước thô trong những tháng đầu năm 2011, đã đến ở mức cao. Nguy cơ thiếu nước sạch là điều khó tránh khỏi.

Những năm trở lại đây, nhiều ý kiến đã cảnh báo về hiện tượng xâm nhập mặn vào hai đầu cửa sông Sài Gòn và Đồng Nai khiến cho độ mặn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, các nhà máy nước hoạt động luôn trong tình trạng “canh chừng” độ mặn. Năm nay, dù chưa đến mùa khô (dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011) nhưng hiện tượng xâm nhập mặn đã ở mức báo động.

Sông Đồng Nai cạn trơ đáy vào mùa khô, không những đe dọa nguồn cung cấp nước sạch mà đe dọa trực tiếp đến những người nuôi cá bè trước nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: Sĩ Dũng


Từ đầu năm đến nay, tình hình nhiễm mặn trên sông Sài Gòn diễn biến phức tạp, độ mặn có chiều hướng gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến Trạm bơm nước thô Hòa Phú của Nhà máy nước Tân Hiệp cung cấp 300.000 m3/ngày cho người dân TP.HCM. Trong tháng 1 và tháng 2, có những thời điểm độ mặn đã lên đến 270 mg/lít (tiêu chuẩn Việt Nam quy định độ mặn trong nguồn nước cấp sinh hoạt không vượt quá 250 mg/lít).

Nguyên nhân độ mặn nước sông tăng cao là do triều cường làm xâm nhập mặn sâu về phía thượng nguồn sông Sài Gòn. Để giải quyết tình trạng nước sông nhiễm mặn, Nhà máy nước Tân Hiệp đề nghị Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (viết tắt Công ty Dầu Tiếng) xả nước từ hồ Dầu Tiếng để đẩy mặn ra khỏi các cửa sông. Từ ngày 30/1 đến 5/2, hồ Dầu Tiếng đã xả 25 triệu m3 cho khu vực hạ lưu sông Sài Gòn nên độ mặn tạm thời bị đẩy lùi.

Tiếp đến đợt xả lần 2 (từ ngày 13 - 20/2) tiêu tốn thêm khoảng 23 triệu m3 nước. Điều đáng lo ngại là lượng nước tích trữ tại hồ Dầu Tiếng giảm so với các năm trước (mực nước hiện tại 20,8 m so với cùng kỳ là 21,9 m). Hiện trữ lượng nước còn lại trong hồ Dầu Tiếng tương đương 446 triệu m3, trong đó sẽ phải phục vụ đẩy mặn cho Nhà máy nước Tân Hiệp khoảng 140 triệu m3, lượng còn lại xả để tưới tiêu cho Tây Ninh và TP.HCM (kéo dài đến tháng 7/2011).

Nếu không có biện pháp điều tiết xả nước thì khả năng cạn hồ Dầu Tiếng là rất lớn. Tình trạng xâm nhập mặn cũng xảy ra tại sông Đồng Nai vốn trước đây được đánh giá có nguồn nước an toàn hơn nhiều so với sông Sài Gòn. Trong những ngày cao điểm nắng nóng, tại Trạm bơm Hóa An (thuộc Nhà máy nước Thủ Đức) vào ngày 7/2, độ mặn đã lên đến 260 mg/lít, vượt mức cho phép và tăng hơn mười lần so với mức thông thường.

Từ ngày 2 - 14/2, chỉ có từ 2 - 4 giờ trong ngày độ mặn nằm trong khoảng 200 mg/lít, trong khi độ mặn trên 200 mg/lít chiếm phần lớn thời gian còn lại. Đặc biệt, tại trạm bơm nước thô của Nhà máy nước BOT Bình An (điểm tiếp nhận nguồn nước tại đoạn sông gần cầu Đồng Nai – cung cấp khoảng 100.000 m3 nước sạch mỗi ngày cho TP.HCM), có thời điểm trong ngày độ mặn đã lên tới 1.000 mg/lít, vượt 4 lần tiêu chuẩn cho phép và vượt quá khả năng xử lý của Nhà máy nước BOT Bình An.

Nhiều thời điểm, nhà máy này phải tạm ngưng hoạt động khi độ mặn nước sông tăng cao. Việc tích trữ nước tại hồ Trị An sụt giảm mạnh (giảm 2,2 tỷ m3 nước so với cùng kỳ), do đó hồ Trị An phải giảm lưu lượng xả nước (lưu lượng xả tối đa 170 m3/giây, hiện tại là 130 m3/giây) vì vậy lượng nước xả không đủ lớn để đẩy lùi mặn xâm nhập. Theo nhận định của Tổng công ty Cấp nước TP.HCM (Sawaco), tình hình nhiễm mặn của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các nhà máy nước, tình hình suy giảm nước nguồn có thể sẽ tiếp tục kéo dài và nghiêm trọng hơn trong những tháng mùa khô 2011.

Độ mặn có thể sẽ tăng cao hơn, tần suất xuất hiện nhiều hơn và thời gian kéo dài hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nước cho người dân TP.HCM. Hiện tại, giải pháp trước mắt để hạn chế độ mặn của nước, Sawaco vẫn phải “nhờ” nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng để pha loãng. Riêng với nguồn nước sông Đồng Nai, Sawaco đã liên hệ với Công ty thủy điện Trị An để thông qua kế hoạch xả nước, nhằm đẩy nước mặn tại điểm thu nước Hóa An khi có yêu cầu.

Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN