TP Hồ Chí Minh lại khổ vì triều cường

Chiều 10/10, triều cường tại TP.HCM lên 1,58 m, thấp hơn 6 cm so với dự báo và chưa phải là đỉnh triều của tháng 10. Tuy nhiên do kết hợp cùng với cơn mưa lớn nên nhiều khu dân cư lại ngập nặng.

Ngập triền miên

Ghi nhận của phóng viên vào chiều 10/10, trên tuyến đường Bến Phú Định nằm dọc kênh Tàu Hủ, phường 16, quận 8, TP.HCM, hàng ngàn người dân phải lội bì bõm dưới dòng nước cống cùng với nước từ dòng kênh Tàu Hủ tràn vào để trở về nhà. Có đoạn nước ngập sâu khiến nhiều phương tiện chết máy, nhiều em học sinh phải dắt xe đạp qua đoạn ngập đến đầu gối. Còn những hộ dân kinh doanh dọc con đường này phải kê hàng hóa lên cao để khỏi ướt.

Ngập do triều cường, kết hợp mưa tại đường Bến Phú Định vào
chiều tối 10/10.



Ông Nguyễn Hữu Lý, Tổ trưởng tổ dân phố 29, khu phố 3 bức xúc: “Trước khi chưa có bờ kè ngăn triều cao khoảng 80 cm từ mặt đường thì mỗi khi triều cao bị ngập do nước kênh Tàu Hủ tràn vào thì không nói. Nhưng kể từ khi có bờ kè tình trạng ngập vẫn cứ diễn ra. Người dân sống ở đây quá quen với cảnh ngập nước mỗi khi triều cường rồi”.

Qua quan sát trong chiều tối 10/10, nước ngập trên một số đoạn đường Bến Phú Định cao xấp xỉ so mặt kênh Tàu Hủ mặc dù đã có bờ kè. Theo ông Lý bờ kè này xây dựng vào khoảng năm 2011 nhưng hoạt động không hiệu quả vì nước triều dâng từ dòng kênh Tàu Hủ vẫn theo cống thoát nước chảy vào và tràn lên các miệng cống gây ngập. “Mặc dù cống có nắp đóng tự động khi nước triều dâng cao nhưng hệ thống này không còn ngăn được nước từ kênh tràn vào”, ông Lý nói.

Trên những con hẻm dọc đường Bến Phú Định, người dân đã góp tiền để đắp ụ cao ngay đầu hẻm để ngăn nước tràn vào bên trong, nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu. Ông Vũ Đình Hiểu, người dân sống tại hẻm 49 cho biết: “Do chúng tôi không có tiền nâng nền nhà nên mới góp tiền nhau làm cái ụ cao ở đầu con hẻm nhằm để hạn chế nước từ mặt đường Bến Phú Định tràn vào. Thế nhưng cũng vẫn ngập vì nước từ những miệng cống tràn lên”.

Cũng trong chiều 10/10, tại đường An Dương Vương đoạn qua quận 8 và quận Bình Tân cũng bị ngập trên quãng đường dài khoảng 1km, khiến nhiều xe cộ chết máy. Đến gần 19 giờ tối, triều cường kết hợp với cơn mưa lớn đã làm đoạn đường này có nơi ngập sâu khiến cuộc sống của nhiều người dân và hoạt động lưu thông tại đây gặp nhiều khó khăn.

Ngay cả Đại lộ Võ Văn Kiệt được xem là con đường hiện đại, đẹp nhất nhì TP.HCM nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, tuyến đại lộ này đã xuất hiện tình trạng ngập úng do triều cường. Tại đoạn qua cầu Lò Gốm, cầu Rạch Cây nằm trên địa bàn quận 6, nhiều đoạn nước triều phủ toàn bộ làn đường xe máy, có nơi nước triều tràn qua một phần làn đường ô tô. Nhiều người dân tham gia giao thông phải tràn qua phần đường dành cho ô tô tạo nên tình trạng giao thông hết sức hỗn loạn và nguy hiểm.

Nguyên nhân ở đâu?

Theo UBND TP HCM, việc xuất hiện 22 điểm tái ngập trên địa bàn TP là do ảnh hưởng dẫn dòng thi công các dự án và do mưa vượt tần suất thiết kế cống. Trong đó có 12 điểm ngập vừa do chặn dòng thi công dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, gồm đường Tân Hóa, Phan Anh, An Dương Vương, Chợ Lớn, đường 26, Mai Xuân Thưởng, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Dương Tử Giang (quận 6); Tôn Thất Hiệp, Hồng Bàng (quận 11).

TP xuất hiện các tái ngập do ảnh hưởng dẫn dòng thi công dự án, do mưa vượt tần suất thiết kế cống.



Hiện TP vẫn còn 2 điểm ngập nặng do triều là đường Lương Định Của (quận 2) và đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Ngoài ra, có 5 điểm ngập khác gồm: Đường Văn Thân, Chợ Lớn, Bình Quới, Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Bến Phú Định (quận 8). Để giải quyết tình trạng tái ngập, TP đã có các biện pháp xử lý cấp bách, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập trong khi chờ các công trình, dự án lớn phát huy tác dụng bằng cách bảo đảm vận hành ổn định các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải; ứng cứu kịp thời khi gặp tổ hợp bất lợi mưa vượt tần suất cùng lúc thủy triều dâng cao.

Ngày 4/10 vừa qua, UBND TP.HCM đã có quyết định 4907/QĐ - UBND về việc phê duyệt dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 524 triệu USD, dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2020. Mục tiêu của dự án là thu gom xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé kênh Đôi kênh Tẻ, chống ngập cho khu vực phường 15, quận 8 và Rạch Hàng Bàng, quận 6.

Theo kế hoạch, dự án VSMT TP.HCM giai đoạn 2 sẽ được phân loại thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần số 1 sẽ xây dựng tuyến cống bao từ giếng Bờ Đông đến nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 2) dài 8 km; dự án số 2 xây dựng nhà máy xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày; dự án số 3 xây dựng mạng lưới cống thoát nước cấp hai, ba và hệ thống đấu nối hộ gia đình trên địa bàn quận 2; dự án còn lại là gói tư vấn giám sát thi công.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia cho rằng, với tình hình biến đổi thời tiết, thủy văn phức tạp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nếu không có những giải pháp ứng phó với triều cường thì khắc phục ngập trong những năm sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn. Dù TP đã triển khai đồng loạt các dự án ODA như: Vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè; cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi Tẻ; nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm để cải tạo kênh rạch chính, xây dựng phát triển hệ thống thoát nước cho vùng trung tâm từ năm 2001, nhưng các giải pháp chống ngập do triều chỉ mới được quan tâm thực hiện từ năm 2008 với quy hoạch thủy lợi chống ngập úng của TP được phê duyệt bằng Quyết định 1547/QĐ - TTg. Và hiện nay phần lớn dự án chống ngập đều đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Do vậy, để giải quyết ngập một cách căn cơ cho TP.HCM, bên cạnh công tác phát triển hệ thống thoát nước, việc tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cống kiểm soát triều, xây dựng đê bao bờ hữu sông Sài Gòn cần được tập trung triển khai trong giai đoạn sắp tới.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng việc thiết kế cống thoát nước chịu được trận mưa 85 mm đã được phê duyệt và thực hiện từ trước năm 2000, hiện đã không còn đáp ứng được tình hình thực tế của TP HCM. Tình trạng tái ngập ở các tuyến đường có hệ thống thoát nước là do các thông số tính toán để thi công đã lạc hậu. Các thông số kĩ thuật này chưa tính đến việc mưa lớn xuất hiện ngày càng nhiều, triều cường ngày càng dâng cao như thời gian gần đây.

Bài và ảnh: Anh Đức

 Người dân TP. Hồ Chí Minh 'bì bõm' trong triều cường
Người dân TP. Hồ Chí Minh 'bì bõm' trong triều cường

Đỉnh triều cường tại TP. Hồ Chí Minh dâng cao hơn mức báo động 3 đã khiến hàng trăm người dân đã phải “bì bõm” trong biển nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN