TP Hồ Chí Minh: Hàng giả, kém chất lượng “vào mùa”

Thị trường TP Hồ Chí Minh đang bước vào những ngày mua sắm sôi động nhất trong năm và người dân đã bắt đầu chộn rộn với công tác chuẩn bị mua hàng Tết. Bên cạnh các hàng chính hãng, nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan “vàng thau lẫn lộn”, gây thiệt thòi cho chính người tiêu dùng.

Muôn mặt hàng kém chất

Được mệnh danh con đường thời trang của TP Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Trãi chạy dài qua 2 quận sầm uất nhất nhì thành phố, từ quận 1 sang quận 5 san sát những cửa hàng, trung tâm mua sắm sầm uất. Trên con đường này có đến hàng ngàn cửa tiệm, shop… dày đặc những mặt hàng thời trang từ cao cấp đến bình dân. Khảo sát một vòng tại đây, hầu hết các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Lancome, Chanel, Christian Dio, Hugo… được bán tràn lan và giá cả chênh lệch nhau từ 100.000 đến cả triệu đồng. “Là hàng chính hãng đó em, nhưng vì là hàng xách tay, nên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và giá chỉ bằng 1/2 so với hàng nhập khẩu”, chủ một cửa hàng đon đả.

Thời điểm cuối năm, người tiêu dùng thoải mái mua sắm là cơ hội làm ăn “vàng” của hàng giả, hàng kém chất lượng.


Tại các chợ Bình Tây, An Đông… nhiều mặt hàng tiêu dùng, quần áo… nhái được sản xuất rất tinh vi, mẫu mã bao bì không khác gì hàng thật. Những ngày này, mặt hàng phổ biến là thực phẩm khô, bánh kẹo… được bày “chất ngất” trên các sạp hàng. Nhiều mặt hàng như mứt, hạt dưa… được chứa trong những bao lớn và rất khó tìm bất cứ thông tin nào về xuất xứ, nơi sản xuất.

Riêng tại đường Nguyễn Thông, quận 3, khu vực chuyên bán sữa, bánh, rượu ngoại, hầu hết bánh thuộc loại hộp thiếc được bày bán ở những khu vực là hàng xuất xứ Malaixia, Thái Lan… Tuy nhiên rất nhiều trường hợp chỉ… “ngoại” được cái vỏ, còn “ruột” là “made in Việt Nam”... “Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vào những ngày cận Tết đang ngày càng phức tạp. Phổ biến là hàng hóa không ghi rõ xuất xứ, nhập nhằng gây nhầm lẫn, dùng các nguyên liệu rẻ tiền pha trộn với một lượng hàng thật theo tỉ lệ nhất định hoặc tự sản xuất hàng giả rồi dán nhãn mác đơn vị đã được đăng ký nhãn hiệu…”, TS Nguyễn Mộng Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho hay.

Nỗ lực phòng chống

Thống kê của Bộ Công an, hiện trung bình mỗi năm lực lượng chức năng đang xử lý hơn 1.000 vụ và số vụ phát hiện chỉ là muối bỏ bể. Hiện nay hầu như các mặt hàng đang được chú ý trên thị trường đều có thể bị làm giả như: Thuốc chữa bệnh, khăn giấy, quần áo… Rất nhiều doanh nghiệp đau đầu và nản khi vừa đầu tư nghiên cứu đưa ra thị trường một sản phẩm mới thì hàng nhái đã lập tức tràn ngập. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng này có nguyên nhân là không ít doanh nghiệp trong nước ngoài việc phòng chống chưa cao, vẫn còn thỏa hiệp với hàng kém chất lượng vì mục đích lợi nhuận và tâm lý buôn bán chộp giật, sản xuất những mặt hàng giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó cũng có tâm lý sính hàng ngoại của không ít người tiêu dùng, nên bất kể giá không hợp lý giữa hàng ngoại thứ thiệt và hàng giả vẫn không phân biệt được; không ít hạn chế về mặt luật pháp như: Thủ tục rườm rà, chế tài chưa nghiêm khắc…

Ngày 1/7/2011, Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện người tiêu dùng đã không còn ở thế yếu trước các nhà sản xuất mà đã có những quyền và quy định trong luật yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ. Tuy nhiên, “trong lúc đợi sự tự giác của chính người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải là điểm tựa bảo vệ người tiêu dùng như phát hành tem cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng, tăng chế tài xử phạt…”, ông Hùng chia sẻ.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN