TP Hồ Chí Minh: Dịch bệnh gia tăng đột biến

Theo Sở y tế TP Hồ Chí Minh, các bệnh do virút gây ra như cúm mùa, cúm A/H1N1 và các bệnh phát triển theo mùa như tay – chân - miệng, sốt xuất huyết, sởi, quai bị, rubella... tại thành phố đang có chiều hướng gia tăng.

Bác sỹ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết: Dù chưa vào thời điểm của dịch sốt xuất huyết nhưng số phường, xã, quận, huyện xuất hiện ổ dịch lại đang gia tăng. Điều đáng lo ngại là các quận nội thành như: Quận 1, 3, Bình Thạnh… có số bệnh nhân cao hơn các quận ngoại thành.

Bệnh sốt xuất huyết tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010. Ảnh: Đan Phương


Trong tháng 2, toàn thành phố có 838 ca sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 245 phường, xã xuất hiện ổ dịch và có 2.300 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 104,9% so với cùng kì năm 2010). Bên cạnh đó, bệnh tay-chân-miệng cũng rất đáng lo ngại vì theo đúng chu kỳ, đây là thời điểm của dịch bệnh.

Trong hơn 2 tháng qua, toàn thành phố có 101 ca và bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh. Chỉ trong tuần đầu của tháng 3, thành phố có đến 40 ca mắc bệnh, số bệnh nhân ở thể nặng có nguy cơ tử vong cao chiếm tới 20%. Ngoài ra, theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các bệnh viện tại thành phố đã tiếp nhận và điều trị hơn 546 ca tiêu chảy, trong đó có 1 ca tả, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng mạnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, Sở y tế đã yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện rà soát lại các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn để ngăn chặn kịp thời. Phường, xã nào có 3 ca sốt xuất huyết trở lên phải khoanh vùng dập dịch ngay. Để phòng chống dịch tăng nhanh vào thời điểm tháng 4 và tháng 5, các quận, huyện phải có kế hoạch diệt loăng quăng kết hợp với phun thuốc ở những nơi có nguy cơ cao.

Cũng theo Sở y tế, dịch cúm A/H1N1 đang có chiều hướng lây lan ra cộng đồng và có nguy cơ bùng phát thành dịch trở lại. Bác sỹ Thọ cho biết: “Trong những ngày qua, cúm A/H1N1 liên tiếp xuất hiện tại một số tỉnh, thành phía Nam như: Bến Tre, Bình Phước và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh cũng đã có trường hợp tử vong do cúm A/H1N1.

Do đó, Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, phường, xã phải báo cáo cụ thể các trường hợp nhiễm cúm và tiếp tục tuyên truyền để người dân biết cách bảo vệ sức khỏe, các phương pháp để phòng tránh nhiễm cúm A/H1N1. Hiện nguy cơ xảy ra cúm A/H1N1 rất cao ở những nơi như trường học, xí nghiệp và nhất là các khu nhà trọ ẩm thấp và nhóm nguy cơ dễ bị tử vong nhất là trẻ em, người già, phụ nữ có thai và người mắc các bệnh mãn tính”.

Các bác sỹ khuyến cáo: Người dân không nên tụ tập nơi đông người. Khi có các triệu chứng về cúm nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, không nên tự mua thuốc về uống. Đối với những người có thể trạng yếu, dễ mắc các bệnh cúm mùa nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng.

Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN