TP Hồ Chí Minh đào tạo nhân lực chất lượng cao

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những chương trình đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thành phố, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Đây là một trong những yếu tố có tính quyết định để tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư.


Những kết quả khả quan

Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 với 6 chương trình nhánh gồm: Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đào tạo đội ngũ doanh nhân; nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao; đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Chỉ riêng chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, từ năm 2011 đến năm 2015 đã tạo được mạng lưới cơ sở đào tạo có uy tín với hệ thống 85 trường cao đẳng, đại học đạt chuẩn. Đã có 14 dự án đầu tư xây dựng của các trường, được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay trong thời gian 7 năm với tổng mức đầu tư là trên 1.400 tỷ đồng. Quy mô đào tạo được mở rộng, ngành nghề đào tạo đa dạng, nội dung và chương trình đào tạo được thường xuyên cập nhật và điều chỉnh phù hợp với thực tế, góp phần tích cực cung ứng nhân lực có trình độ, phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước.

Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, đã có 40 cán bộ, giáo viên tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành phố, 14 cán bộ quản lý đi học tập tại Cộng hòa Liên bang Đức. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học được các trường triển khai thực hiện với 21 đề tài cấp Bộ, 655 đề tài cấp cơ sở đã được áp dụng tại các trường, đặc biệt là có tới 892 đề tài nghiên cứu của sinh viên. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học là 73 - 80%... Nhiều sinh viên ưu tú có đạo đức tốt đã được tuyển chọn từ Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành phố và được cử đi đào tạo toàn phần ở nước ngoài hoặc đào tạo ở trong nước kết hợp nghiên cứu, thực tập ở nước ngoài. Hiện nay, số học viên của Chương trình đã hoàn thành đào tạo đang công tác tại các địa phương, đơn vị là 543 người, gồm 499 thạc sĩ và 35 tiến sĩ.

Công tác dạy nghề cũng được thành phố tập trung triển khai đồng bộ. Trong khoảng 4 năm qua thành phố đã thực hiện đào tạo nghề cho hơn 2,8 triệu lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72% tổng số lao động. Công tác dạy nghề được thực hiện gắn với phân tích và dự báo nhu cầu của thị trường lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng lao động. Việc đào tạo đội ngũ doanh nhân cũng được chú trọng. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã tổ chức được gần 448 lớp học cho trên 20.000 lượt học viên, nếu tính cả những khóa đào tạo sử dụng phí được huy động từ các nguồn lực xã hội thì số lớp học đã được tổ chức là 1.035 lớp với khoảng gần 52.000 học viên.

Theo đánh giá của ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn 4 năm thực hiện chương trình đã đạt được những kết quả khá tốt. Việc đào tạo đã gắn với nhu cầu xã hội ở tất cả các lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị cơ bản về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Việc đào tạo nghề đã góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố.

Nâng cao chất lượng lao động

Nếu nhìn từ những con số, chương trình nâng cao nguồn nhân lực đang có nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, thạc sĩ Mai Thị Quế, Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đưa ra một thực tế là vẫn còn nhiều học viên tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng tiếp cận thiết bị mới, công nghệ hiện đại... Mặt yếu kém nữa của học viên là khả năng làm việc theo nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu và tác phong nghề nghiệp. Các chương trình giáo dục đào tạo trong trường đại học, cao đẳng vẫn còn thiếu tính liên thông, tương thích giữa các ngành nên đào tạo còn nhiều trùng lắp, lãng phí. Một số chương trình còn lạc hậu, chậm cập nhật nên tổ chức sử dụng lao động phải tổ chức đào tạo lại.

Từ góc độ sử dụng lao động của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Uyên Phát -Khu công nghiệp Tân Tạo, cũng cho rằng, chương trình giáo dục đào tạo đang bị mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Nhiều cử nhân đại học đến nộp hồ sơ xin việc tại công ty có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng khi được yêu cầu trình diễn một số kỹ năng cơ bản liên quan đến khoa học công nghệ thì rất lúng túng, không giải quyết được. Thành phố cần có những giải pháp cụ thể hơn trong việc đào tạo nhân lực, nhằm tránh tình trạng đào tạo ra một đội ngũ “lỡ thầy lỡ thợ”.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, để tự tin và phát triển tốt trong thời kỳ hội nhập, thành phố cần phát triển nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế, đặc biệt những ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn. Thành phố cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế để không chỉ phù hợp với thị trường của thành phố mà còn hướng tới xuất khẩu lao động sang các nước bạn. Bên cạnh việc đào tạo lại, đào tạo bổ sung đối với các lao động sẵn có thì thành phố cần định hướng việc phát triển nguồn nhân lực từ trong giai đoạn học tập tại trường phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để chuẩn bị cho hội nhập, người lao động không nên quá ngộ nhận về bằng cấp mà quên mất vai trò quan trọng của trải nghiệm thực tế và xác định mục tiêu nghề nghiệp để phấn đấu. Các cơ sở đào tạo cũng cần gắn đào tạo với nhu cầu phát triển của xã hội. Doanh nghiệp cũng cần có sự tương tác, kết nối cùng nhà trường để hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phù hợp với yêu cầu thị trường và vị trí công việc.

Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng: cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, lao động chất lượng cao ở 8 ngành nghề gồm nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kiến trúc, kỹ sư, kế toán, giám sát viên và du lịch, sẽ được dịch chuyển tự do. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, lao động Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được với những lao động có kỹ năng, có ngoại ngữ, có tác phong chuyên nghiệp từ nước ngoài tràn vào. Ngoài ngành kiến trúc và kế toán sẽ không có lượng cầu cao, 6 ngành còn lại đang thiếu lao động, nhưng chất lượng lao động trong 6 ngành này của thành phố lại chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khả năng mất việc vào tay những lao động nước ngoài hoặc không đủ điều kiện để sang làm việc tại các nước trong khu vực là điều có thể xảy ra nếu tay nghề và kỹ năng của lao động của thành phố không đạt yêu cầu.
Thu Hoài - Nguyễn Cúc
Nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực
Nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực

Rất nhiều chuyên gia tâm huyết với lĩnh vực giáo dục và đào tạo của đất nước khẳng định cần thiết phải thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện, để góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành một cách căn bản và bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN