Tổng hợp COVID-19 ngày 10/2: Số ca mắc tiếp tục gia tăng; Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch

Trong ngày 10/2, dư luận quan tâm đến các thông tin nổi bật như: Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19; Việt Nam có 26.032 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Cần bố trí thời gian củng cố kiến thức cho học sinh khi dạy học trực tiếp; Lào Cai tăng cường quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao…

Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến về việc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN 

Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế theo đúng kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đôn đốc Thanh tra các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3 năm 2022.

Ngày 10/2, Việt Nam có 26.032 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Tính từ 16 giờ ngày 9/2 đến 16 giờ ngày 10/2, Việt Nam ghi nhận 26.032 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng 2.052 ca so với ngày trước đó.

Trong số các ca nhiễm mới, có 9 ca nhập cảnh và 26.023 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.070 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.264 ca trong cộng đồng).

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.430.683 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.616 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.423.553 ca, trong đó có 2.203.777 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (515.109), Bình Dương (293.068), Hà Nội (159.735), Đồng Nai (100.002), Tây Ninh (88.659).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 9.992 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.206.594 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 9/2 đến 17 giờ 30 ngày 10/2, cả nước ghi nhận 74 ca tử vong, trong đó: Tại TP Hồ Chí Minh có 4 ca, trong đó có 3 ca từ các tỉnh khác chuyển đến gồm: An Giang (1), Sóc Trăng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Hà Nội (16), Đà Nẵng (4), Hải Dương (4), Quảng Nam (4), Thừa Thiên Huế (4), Bình Định (3), Cần Thơ (3), Đồng Tháp (3), Vĩnh Long (3), Đắk Lắk (2), Đồng Nai (2), Hậu Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Quảng Ngãi (2), Quảng Ninh (2), Bắc Ninh (1), Bình Thuận (1), Cao Bằng (1), Đắk Nông (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Khánh Hòa (1), Long An (1), Ninh Bình (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Tiền Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 89 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.688 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Cần bố trí thời gian củng cố kiến thức cho học sinh khi dạy học trực tiếp

Ngày 10/2, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trở lại trường học trực tiếp.

Tại buổi kiểm tra, các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của Đồng Nai trong việc chuẩn bị cho giáo viên, học sinh trở lại trường dạy và học trực tiếp. Tới đây, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự an tâm, đồng thuận giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường, đồng thời nâng định mức giáo viên Tiểu học đứng lớp lên 1,5 giáo viên/lớp.

Đồng Nai có rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã có nhiều giáo viên mầm non bỏ việc. Tỉnh cần có chính sách đặc thù để thu hút giáo viên mầm non, đảm bảo hoạt động nuôi dạy trẻ trên địa bàn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, năm 2021, Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành phố của nước ta bị ảnh hưởng nề nhất bởi dịch COVID-19. Dù đối diện nhiều khó khăn, song tỉnh đã sớm thí điểm dạy và học trực tiếp, qua đó giúp học sinh cuối cấp củng cố tốt kiến thức để bước vào những kỳ thi quan trọng. Việc sớm thí điểm dạy và học trực tiếp còn giúp tỉnh tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị Đồng Nai tiếp tục bám sát chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, “mở cửa” càng sớm càng tốt; tăng cường rà soát, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại. Ngành Giáo dục tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để xử lý tình huống phát sinh ca mắc COVID-19 trong trường học. Do học sinh ở Đồng Nai phải học trực tuyến trong thời gian dài nên khi tổ chức học trực tiếp, các trường lên kế hoạch, bố trí thời gian ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh.

Lào Cai tăng cường quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao

Tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai), đảm bảo được tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều, tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất ngay tại địa phương (xã, phường, thị trấn); tổ chức tiêm lưu động, tại nhà cho người đi lại khó khăn.

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang diễn biến phức tạp, số ca mắc hàng ngày tiếp tục tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán. Tính đến ngày 10/2, Lào Cai đã có 9 bệnh nhân tử vong, đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đặc biệt là đang có sự gia tăng trường hợp chuyển nặng, tử vong và các trường hợp trên đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng COVID-19.

Theo báo cáo của Sở Y tế Lào Cai, tính đến hết ngày 8/2, địa phương còn 4.334 người chưa tiêm vaccine, 16.352 người chưa tiêm mũi 2 và 513.965 người chưa tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại.

Để đảm bảo về thời gian và diện bao phủ vaccine theo chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát kỹ các trường hợp chưa tiêm; triển khai đồng bộ biện pháp nhằm tiêm đủ mũi cho các đối tượng nêu trên, hoàn thành xong trước ngày 28/2.

Các cơ sở y tế, địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ.

Ngày 10/2, Lào Cai ghi nhận thêm 316 ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, địa phương ghi nhận tổng cộng 5.046 bệnh nhân COVID-19; trong đó có 3.373 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện, 1.673 người đang cách ly, điều trị.

Hà Nội công bố thêm 2.887 ca F0, hiện có 56.174 F0 đang điều trị tại nhà

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 9/2/2022 đến 18 giờ ngày 10/2/2022, Hà Nội ghi nhận 2.887 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 627 ca cộng đồng và 2.260 ca đã cách ly.

Số ca nhiễm mới của Hà Nội phân bố tại 434 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (177); Đông Anh (175); Nam Từ Liêm (161); Chương Mỹ (151); Long Biên (150). 2. Số mắc cộng dồn tại Hà Nội Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 162.909 ca.

Hà Nội có tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 59.588 ca; tại các cơ sở: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (158), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (173), các bệnh viện của Hà Nội (2.490), tại các cơ sở thu dung thành phố (58), tại các cơ sở thu dung quận, huyện (535), theo dõi, điều trị tại nhà (56.174).

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc COVID-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội qua số điện thoại 0969.082.115 hoặc 0949.396.115 để được tư vấn...

Người dân khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng PC-COVID, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt, để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, hạn chế lây nhiễm.

XM/Báo Tin tức
Có chính sách hỗ trợ ổn định với lao động nhập cư
Có chính sách hỗ trợ ổn định với lao động nhập cư

Lao động nhập cư có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành phố, vùng kinh tế trọng điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN