Tôn vinh những tấm gương cán bộ y tế tiêu biểu

Sáng 27/2, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đến thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, y bác sỹ, nhân viên Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Xúc động khi được chứng kiến những công việc thường ngày của cán bộ, y bác sỹ tại Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Bộ trưởng cho rằng 93 cán bộ, y bác sỹ của Trung tâm nếu không bằng tấm lòng, trách nhiệm, tình yêu thương sẽ không thể vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả. Bộ trưởng tin tưởng trong thời gian tới, trung tâm sẽ có bước phát triển mới, để nơi đây là ngôi nhà chung, điểm đến, điểm hẹn của tình thương, trách nhiệm.

Bộ trưởng mong muốn Trung tâm sẽ nghiên cứu, từng bước xã hội hóa, tự chủ mở rộng thêm nhiều đối tượng để giúp thêm nhiều mảnh đời bất hạnh, có hoàn cảnh éo le; phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới để việc nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Đào Ngọc Dung (thứ 2 từ trái sang) thăm phòng chức năng của Trung tâm. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, được thành lập ngày 27/7/1976, có chức năng khám, điều trị, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ tự kỷ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi; chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề đối với người khuyết tật; điều dưỡng người có công, phục hồi sức khỏe người cao tuổi. Trung tâm có 93 cán bộ, công chức, người lao động, trong đó có 6 bác sỹ; 24 y sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; 2 dược sỹ; 7 hộ lý.

Hằng năm, Trung tâm tiếp nhận, phục hồi chức năng từ 200 - 230 trẻ em khuyết tật; trung bình mỗi năm tổ chức khám, tư vấn, điều trị từ 500 - 600 trẻ em khuyết tật, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trung tâm hiện có 120 học sinh đang theo học 4 lớp khiếm thính, 4 lớp chậm phát triển trí tuệ, 1 lớp học chức năng sinh hoạt, 4 lớp tự kỷ; trên 80 trẻ em khuyết tật được đào tạo các nghề: cắt may, thêu, tin học văn phòng, nấu ăn, làm vườn, sản xuất tranh đá quý… Hơn 40 năm thành lập và phát triển, Trung tâm đã tiếp nhận, phục hồi chức năng cho 2.275 trẻ em khuyết tật, giúp 2.080 em trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, tự lập, ổn định cuộc sống.

*Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh đã trao bằng chứng nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú tặng 19 cá nhân có cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Quảng Nam; trao cờ thi đua của UBND tỉnh tặng 2 tập thể xuất sắc trong công tác khám chữa bệnh.

Năm 2016, toàn ngành được đầu tư trên 195 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Đề án thu hút bác sĩ sau hơn 2 năm triển khai đã thu hút được 135 bác sĩ, nâng số bác sĩ toàn tỉnh lên hơn 1.100 người, đạt 6,4 bác sĩ/1 vạn dân. Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh được thực hiện tích cực, khống chế, ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh xảy ra; các bệnh xã hội có xu hướng giảm. Chất lượng điều trị, dịch vụ y tế được cải thiện, nhiều kỹ thuật mới được thực hiện thành công. Các chương trình Mục tiêu y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả, đạt chỉ tiêu đề ra…

* Ngày 27/2, tỉnh Bạc Liêu kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2017). Dịp này, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong ngành y tế được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Nhiều cá nhân và tập thể được nhân được nhận Bằng khen của Bộ Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh.

Khi tái lập tỉnh Bạc Liêu cách đây 20 năm, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của hệ thống y tế còn thiếu thốn, toàn ngành chỉ có 137 bác sỹ, đến nay, số bác sỹ đã tăng lên gấp 5 lần, số dược sỹ tăng 40 lần. Hệ thống y tế dự phòng được củng cố từ tỉnh đến cơ sở, chủ động phòng chống kịp thời không để dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, chất lượng điều trị không ngừng nâng cao, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng thành công như mổ chấn thương sọ não, phẫu thuật nội soi, điều trị vô sinh, lọc thận nhân tạo. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa y tế cũng được ngành y tế tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là các hệ thống y tế tư nhân.

TTXVN/Tin Tức
Tiếp xúc với nguồn bệnh, nhân viên y tế 'gánh' cả 'ổ bệnh'
Tiếp xúc với nguồn bệnh, nhân viên y tế 'gánh' cả 'ổ bệnh'

Đau dạ dày, suy giãn tĩnh mạch, các bệnh về hô hấp, cúm, thuỷ đậu, viêm phổi, các bệnh về tai mũi họng... là tác nhân của việc tiếp xúc nguồn bệnh, thức khuya dậy sớm, ăn uống không đúng giờ...mà các y, bác sĩ phải đối mặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN