Tình quân, dân nơi bão tố

“Cảm ơn các anh bộ đội hải quân. Nếu không có các anh, chắc chắn chúng tôi đã bỏ mạng ở biển rồi”. Nắm chặt tay Đại tá Trương Công Thế, thuyền trưởng Huỳnh Ly tàu cá KH-92116 rưng rưng nước mắt giữa trưa nắng trên boong tàu. Ông chỉ biết nói vậy trước bước chân lên cảng Hải đội 812.
 

Tàu cá ngư dân được tàu HQ-608 kéo về Vũng Tàu.


Gặp nạn giữa biển

Cho đến bây giờ sau 14 ngày lênh đênh trên biển và được các chiến sĩ tàu  HQ – 608 của Hải đội 812 Vùng 2 Hải quân cứu hộ, ông Huỳnh Ly vẫn chưa hết bàng hoàng về sự cố gặp nạn. “Khi đang cào cá, bỗng dưng tàu không chạy nữa và chao đảo. Giữa đêm đen, sóng to gió lớn, tui bàng hoàng tưởng lật tàu” - ông Ly đưa tay lên ngực mình nhớ lại.

Sự việc tàu trôi dạt trên biển được ông kể lại. Tàu cá của ông đi đánh bắt trên vùng biển đảo Trường Sa hôm 15/10. Sau 13 ngày đánh bắt cá ở khu vực này đến ngày 28/10 thì gặp sự cố. Tàu đang hoạt động bình thường bỗng dưng “khựng khựng” nơi khoang máy chính và có mùi khét, khói bốc lên từ hầm tàu.

Tài công của tàu là ông Huỳnh Hút (em trai ông Huỳnh Ly) vội vàng chạy xuống hầm máy thì phát hiện máy đã vỡ ly hợp. Giữa đêm tối mịt mùng, làm cách nào đây để tàu tiếp tục hành trình trong khi cơn bão số 13 đang ngày một mạnh dần, sóng gió bắt đầu nổi lên? Đèn nạp ắc qui được huy động, mọi người tập trung khắc phục máy.

Đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân bắt tay thân mật từng ngư dân gặp nạn.


Sau hơn 4 giờ vật lộn với lốc máy dưới hầm tàu, ông Hút nói vọng lên: “Không khắc phục được, bó tay rồi”. Không thể bỏ mạng giữa biển, ông Ly lên máy I-com sóng ngắn kêu cứu và bắn tín hiệu, nhưng do sóng to gió lớn, tín hiệu không bắt được. Nước biển tràn vào khoang máy chính, 11 thuyền viên trên tàu hoảng sợ. Ngày thứ nhất trôi qua, đến ngày thứ hai toàn bộ thông tin liên lạc bị tê liệt vì không có điện để nạp ắc qui. Gạo, muối, mì tôm bị sóng biển đánh ướt. Máy định vị không có tác dụng.

Từ ngày 31/10 đến 6/11, tàu trôi tự do trên vùng biển Trường Sa đến bãi Cạn Tư Chính (DK1). Trong thời  gian ấy, 11 ngư dân trên tàu ăn gạo sống và mì tôm. 

Ông Đặng Văn Ban là ngư dân trên tàu cá vẫn chưa hết lo sợ: “Tui làm nghề biển và đi theo tàu này gần 10 năm nay, chưa lần nào lại gặp sự cố như lần này. Lúc vỡ lốc máy và bị sóng đánh trôi dạt, chúng tôi nghĩ không chắc đã sống, vì sóng to gió lớn quá, trong khi đó không liên lạc được vì không chạy máy nổ, không có điện nạp ắc qui. Nói thiệt, nếu không được tàu hải quân cứu hộ, chắc chắn chúng tôi bỏ mạng rồi, đâu được về gặp vợ con nữa”.

Cứu dân mệnh lệnh không lời

Nhận được tin cứu hộ tàu cá ngư dân KH-92116 bị nạn trên biển từ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, tàu HQ-608 đang làm nhiệm vụ trực tại khu vực DK1 đã nhanh chóng phát tín hiệu cứu hộ, mở máy liên lạc theo kênh cố định 24/24 gọi tàu bị nạn.

Sau 7 giờ liên tục tìm kiếm, tàu HQ-608 phát hiện tàu cá KH-92116 đang trôi dạt phía Đông cách nhà giàn DK1/11 (Tư chính 4) 39 hải lý. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng, tàu HQ-608 tăng tốc hải trình khẩn cấp về phí tàu cá gặp nạn. Lúc 3 giờ sáng ngày 6/11, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-608 đã tiếp cận được tàu cá ngư dân.

Công việc trước mắt là áp sát, chuyển những ngư dân sức khỏe yếu sang tàu Hải quân, cấp lương khô, mì tôm, sữa, quần áo cho các ngư dân khác.

Đại úy Lê Khắc Sinh, nhân viên hàng hải của tàu HQ-608 cho biết: “Tàu tiếp cận ghe cá lúc 3 giờ sáng trong điều kiện sóng to gió lớn. Chuyển người từ ghe cá sang tàu lúc đêm tối rất khó khăn, song tất cả chúng tôi xác định cứu dân là mệnh lệnh trên hết. Tôi được giao nhiệm vụ chuyền theo dây từ tàu sang ghe cá cấp lương khô, quần có cho ngư dân. Lúc tiếp cận, họ rất mừng và luôn nói lời cảm ơn”.

11 giờ 30 phút ngày 9/11, tàu HQ-608 đã lai dắt tàu cá KH-92116 cập cảng hải đội 812 Vùng 2 Hải quân (Phường 11 Vũng Tàu).

Đón 11 ngư dân thoát nạn trở về, có đông đảo cán bộ chiến sĩ khối hải đội 812, cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và 7 phóng viên báo đài trung ương và địa phương. Đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng biểu dương tinh thần cứu dân của cán bộ chiến sĩ tàu HQ-608, rồi ông đi bắt tay thân mật từng ngư dân như người thân thiết.

Chị Lê Thị Bồng phút giây gặp chồng.


Trong niềm xúc động thoát nạn, ông Huỳnh Ly nắm chặt tay đại tá Thế nước mắt rưng rưng, ông chỉ kịp nói một câu “Cảm ơn các anh bộ đội hải quân. Nếu không có các anh, chắc chắn chúng tôi đã bỏ mạng ở biển rồi” rồi nhìn ra biển.

Nhận được tin tàu của chồng bị nạn, chị Lê Thị Bồng, 53 tuổi (vợ của thuyền trưởng Ly) tức tốc bắt xe đò từ Khánh Hòa vào. Trên cầu cảng Hải đội 812, chị nóng lòng luôn dõi mắt về phía biển chờ đón tàu về. Mắt đỏ hoe chị, nói với chúng tôi: “Gia đình tui có 4 con, anh nhà đi nghề cá 20 năm nay rồi, nhưng đầy là lần đầu tiên bị tai nạn trên biển. May mà có tàu của bộ đội Hải quân cứu vớt, gia đình tui rất biết ơn các anh”. Trước đông người và phóng viên báo chí, chẳng ngần ngại, chị Bồng nép vào ngực chồng.
 

Trước đó, ngày 6/11, tàu kiểm ngư 774 của Vùng 2 Hải quân đang khảo sát ngư trường trên vùng biển Thềm lục địa đã khẩn cấp đi cứu tàu cá KH- 96761 TS bị trôi dạt trên biển và bàn giao cho tàu hải quân HQ-937, trong khi tàu này đang trên đường đi cứu hộ tàu cá KH-96778. Cũng cùng ngày 6/11, tàu HQ-624 đang trực tại mỏ Mộc Tinh đã cứu hộ tàu cá KH-96778 TS, cách mỏ Mộc Tinh 30-35 hải lý, trên tàu có 12 ngư dân. Hai tàu cá trên đã bàn giao cho tàu HQ-937 của Hải đội 811 và đang kéo về Vũng Tàu.



Tin, ảnh: Mai Thắng
                                                          




Cộng đồng mạng thương miền Trung gánh bão
Cộng đồng mạng thương miền Trung gánh bão

Những đứa con xa nhà, những người dân vùng tâm bão cũng như đông đảo cộng đồng mạng xã hội Facebook không khỏi lo lắng trước thông tin siêu bão Haiyan (Hải Yến) sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ngãi và Đà Nẵng vào sáng 10/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN