Tình người vượt lũ

Ở Hương Khê (Hà Tĩnh), lũ cũ chưa qua lũ mới đã tới, đời sống người dân vùng “rốn lũ” khó khăn chồng chất khó khăn. Trong thôn xóm, hộ khó ít chia sẻ, đùm bọc hộ khó nhiều. Những nhà hảo tâm ở muôn phương đi trong cơn lũ về Hương Khê, chèo thuyền đến từng gia đình bị ngập để động viên, hỗ trợ người dân.

Giúp nhau chỗ ăn, ở

Trong một tháng, người dân Hương Khê phải gồng mình, chống chọi với 2 trận lũ liên tiếp chỉ cách trong vòng 10 ngày. Trận lũ diễn ra từ ngày 13 - 20/10 vừa đi qua, người dân chưa kịp hoàn hồn thì ngày 30/10 lũ mới lại về, nước dâng cao, gây ngập hàng nghìn ngôi nhà và nhiều xã bị cô lập.

Hộ bị ngập được các lực lượng chức năng, người dân giúp đỡ di dời kịp thời lên ở nhờ các hộ trên vị trí cao. Trưa ngày mồng 2/11, chúng tôi phải đi thuyền mới vào được xóm 4, xã Hà Linh (Hương Khê), nơi có 50 hộ dân bị ngập. Dù đang phải chống chọi với cơn lũ, nhưng người dân vẫn nhiệt tình dùng thuyền để vận chuyển người, đồ đạc và tài sản những hộ bị ngập đến nơi an toàn.

Người dân giúp đỡ nhau chuyển vật nuôi lên vị trí cao.

Anh Nguyễn Trọng Lai, 40 tuổi ở thôn 4, xã Hà Linh ở vị trí cao nên chưa bị ngập. Anh Lai dùng thuyền con nhà mình đi giúp các hộ bị ngập vận chuyển đồ về nhà để tránh lũ. Ngôi nhà gỗ 3 gian chật chội, kê 2 chiếc giường, nhưng anh Lai vẫn đưa 2 hộ bị ngập trong xóm về ăn, ở. Anh Nguyễn Trọng Lai chia sẻ: “Nhà tôi may mắn ở chỗ cao nên nước chưa ngập vào nhà. Nhiều hộ dân trong xóm bị ngập, giúp được ai thì tôi sẵn sàng giúp đỡ. Ở cùng, có rau cùng ăn rau, có cháu húp cháo, đùm bọc nhau để vượt qua cơn lũ”. 

Vợ anh Lai đang hì hục chuẩn bị bữa ăn cho gần chục người ăn. Chị nghiêng nồi cá đồng đang kho trên bếp, nói: “Mấy ngày hôm nay lũ ngập hết rồi, hôm nay có người thân mang đến cho mấy con cá đồng, cả nhà có bữa ngon miệng”. Vợ chồng anh Lai cũng được người dân trong xóm giúp đỡ rất nhiều trong các trận lũ trước đây. 

Theo UBND huyện Hương Khê, nhờ quà từ thiện, hỗ trợ của chính quyền, nhân dân cả nước trong trận lũ trước nên lũ mới này vẫn có lương thực, thực phẩm để ăn. Lũ rút, chính quyền sẽ tiếp tục hỗ trợ và trao quà từ thiện của các nhà hảo tâm chuyển về, đặc biệt là giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Hai người con trai của anh Lai đều sinh ra trong lũ dữ, đứa lớn sinh vào mùa lũ 2007, đứa sau sinh vào trận lũ lịch sử 2010. Theo anh Lai, nếu không có người dân tận tình giúp đỡ thì vợ chết cùng với con rồi. Lúc hoạn nạn mới cần tới nhau... Vợ chồng anh Nguyễn Văn Việt, nhà ngập gần 1 m, phải chuyển lên ở nhờ nhà anh Lai. Anh Việt cho biết: “Ở Hương Khê thường xuyên xảy ra lũ lụt, gây nhiều thiệt hại. Nhờ tình làng, nghĩa xóm, giúp đỡ lẫn nhau để chống chọi với lũ”. Chuyển các vật dụng gia đình mình ổn định, anh Việt lại chèo thuyền đi giúp đỡ các hộ bị ngập khác. Vợ anh Việt mắt đỏ hoe, ngồi nhìn ngôi nhà đang ngập nước và mong trời tạnh mưa, lũ nhanh rút. 

Ngồi chòng chành trên thuyền gỗ, chúng tôi lo sợ bị lật. Ngồi sau chèo thuyền, ông Nguyễn Trọng Tú động viên: “Bình tĩnh, ngồi yên, không sao đâu”. Tôi hỏi ông Tú sao không ở nhà chống lũ mà đi chèo thuyền giúp mọi người? Ông Tú nói: “Nhà đã có vợ con, mọi người khó khăn đang cần tôi giúp”. Nước chảy xiết, ông Tú khéo léo chèo, lái thuyền đi đến các gia đình.

Trao đổi về sức đề kháng của người dân trước các trận lũ liên tiếp xảy ra, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Lê Ngọc Huấn cho biết: “Hương Khê là vùng “rốn lũ” nên mỗi hộ dân luôn chủ động để phòng chống và đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi lũ về. Người dân xây nhà vượt lũ, làm nhà phải đắp nền nhà cao, mỗi hộ có một đến hai chiếc thuyền gỗ nhỏ để kịp chạy lũ. Chính quyền địa phương đã cử các lực lượng giúp dân ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn về người và tài sản”.

Vượt lũ đi hỗ trợ dân 

Trong lúc lũ đang xảy ra, nước sông Ngàn Sâu ở Hương Sơn dâng cao, nhưng nhiều đoàn từ thiện ở các tỉnh vẫn vào tâm lũ để động viên, hỗ trợ người dân bị ngập. 

Đoàn từ thiện của thầy Thích Tâm Phát đại diện cho các phật tử ở TP.HCM về trao 500 suất quà cho người dân vùng lũ Hương Khê. Trời đổ mưa, nước chảy xiết, nhưng đoàn của thầy Tâm Phát quyết tâm chèo thuyền đi đến các hộ dân ở thôn 4, xã Hà Linh trao quà. Một suất quà gồm 400 nghìn đồng tiền mặt và quần áo, màn tuyn. Thầy Tâm Phát cho biết: “Các phật tử hướng về vùng lũ, quyên góp để chúng tôi vượt đường xa ra hỗ trợ người dân ngập lũ. Tôi muốn đến tận nhà để trao quà, động viên người dân. Dù vất vả, nhưng thấy người dân vui mừng nhận quà, tôi vui và hạnh phúc”.

Thầy Thích Tâm Quang cùng phật tử ở tỉnh Hà Tĩnh cũng chèo thuyền đi phát quà cho các hộ dân bị ngập, hộ neo đơn và có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Tâm Quang cho biết đã vận động phật tử và các nhà hảo tâm ủng hộ quà, tiền mặt cho người dân vùng lũ Hương Khê thời gian qua trị giá hơn 7 tỷ đồng. Thầy Tâm Quang tâm sự: “Tấm lòng của nhân dân cả nước hướng về Hương Khê là tình cảm, sự sẻ chia để các hộ dân bị ngập cố gắng khắc phục khó khăn”.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Lũ cô lập 2 xã ở Kon Tum, nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng
Lũ cô lập 2 xã ở Kon Tum, nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng

Mưa suốt 2 ngày qua khiến tình trạng nước sông, suối trên huyện Kon Plông (Kon Tum) tăng nhanh, khiến 2 xã Đăk Ring và Đăk Nên bị cô lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN