Tình đất, tình người Gio Linh

Những ngày này, thăm lại Gio Linh, mảnh đất địa đầu giới tuyến một thời, những kỷ niệm hơn nửa thế kỷ trở nên sống động với nhiều gợi nhớ trong tôi.

Đứng trên Dốc Miếu, nhìn làng mạc, đồng ruộng đầm ấm một màu xanh, tôi nhớ đến quang cảnh vành đai điện tử những năm ấy. Năm 1972, trong chiến dịch tổng tiến công tại mặt trận Quảng Trị, cùng các đồng nghiệp tôi đã hành quân qua đây không ít lần. Khi ấy, từ Dốc Miếu, nhìn về Đông Hà, Cồn Tiên, Đồi 31, sông Bến Hải..., tất cả mênh mông một vùng trắng. Đoạn đường quốc lộ từ điểm cao này ngược ra cầu Hiền Lương chi chít hố bom pháo, cỏ mọc kín vì bỏ hoang lâu ngày. Cuối đoạn đường ấy, cầu Hiền Lương bị đánh phá, chỉ còn chơ vơ một nhịp giữa sông. Trong nhịp cầu đổ ấy vẫn còn vệt sơn trắng, dấu tích lịch sử cắt chia hai miền đất nước.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Chị Thu Lan; nhà báo Trần Mai Hưởng; chị Hoàng Thị Chẩm và Bùi Thị Nguyệt, con gái chị Hoàng Thị Chẩm tại đài kỷ niệm đầu cầu Hiền Lương.

Dốc Miếu bây giờ là nơi có nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh. Cùng các đồng nghiệp, tôi đã có những khoảnh khắc không thể quên. Nghĩa trang này là nơi có mộ liệt sĩ Thu Hồng, du kích xã Gio Mỹ, người tôi chụp ảnh trước khi chị hy sinh trong những ngày đầu chiến dịch. Tôi đã thực được tâm nguyện từ lâu là đến viếng mộ chị. Khi chúng tôi đến nơi, những cán bộ, chiến sĩ trong đội du kích Gio Mỹ, các đồng đội của chị Thu Hồng năm xưa, và Thu Lan, em ruột chị Thu Hồng từ Hà Nội vào, đã đợi sẵn. Chúng tôi đã đến viếng mộ Thu Hồng và các liệt sĩ trong nghĩa trang Gio Linh với lòng tưởng nhớ, biết hơn sâu sắc những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đầu năm 1972, lần đầu tiên tôi vượt giới tuyến sang bờ Nam công tác . Địa bàn đầu tiên là Gio Linh . Một trong những nơi tôi về nắm tình hình theo sự giới thiệu của bí thư huyện uỷ Phan Chung ( khi đó gọi là Ba Trần ) là đội du kích Gio Mỹ . Chúng tôi đã về căn cứ của đội cách đồi 31 không xa, sát ngay chiến tuyến. Những ngày đó anh chị em trong đội đang tích cực bám dân, bám đất, tìm hiểu tình hình , sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực trong chiến dịch lớn đang đến . Chúng tôi đã gặp những người du kích , nghe họ kể chuyện về cuộc sống, chụp ảnh họ rèn luyện , học tập, sinh hoạt tại căn cứ. Trong một số hình ảnh về họ, tôi có chụp chân dung người nữ du kích, bí thư xã đoàn Thu Hồng . Bức ảnh ấy sau đã được dùng trên báo. Người xem ấn tượng với hình ảnh của một người nữ du kích đang trong tư thế ngắm bắn, vẻ đẹp duyên dáng, mũ tai bèo mềm mại, gương mặt sáng lên trong nắng . Điều vô cùng đau xót là vài tuần sau, Thu Hồng hy sinh ngay trong ngày đầu của chiến dịch , để lại niềm thương tiếc khôn nguôi trong lòng mọi người.

Chú thích ảnh
Chân dung liệt sĩ Thu Hồng do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp trước khi chị hy sinh.

Cùng những người bạn chiến đấu năm xưa, chúng tôi thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Thu Hồng, cầu mong hương linh chị phù hộ cho cuộc sống, con người trên mảnh đất mà chị cùng bao liệt sĩ đã hiến dâng sự sống của mình để gìn giữ, bảo vệ.

Tôi có dịp gặp lại những người du kích từ hơn 50 năm trước. Các anh Nguyễn Văn Em, Trần Xuân Tiếp, Nguyễn Minh Thành, các chị Mai Thị Hương, Nguyễn Thị Thỉu... Nhiều người trong số họ lần đầu gặp lại nhưng tình cảm vẫn rất chân thành, thân thiết. Chúng tôi nhắc đến những người đã đi xa. Anh Nguyễn Văn Em nhớ về cuốn số nhật ký của liệt sĩ Thu Hồng mà anh nhờ tôi cầm ra Vĩnh Linh để chuyển cho ba má chị. Anh Trần Xuân Tiếp kể về những lần tôi cùng các đồng nghiệp khi đi công tác ghé lại nơi đóng quân của đội du kích như địa chỉ thân quen khi mặt trận đã chuyển vào bên trong. Chị Nguyễn Thị Thỉu còn nhớ lần đưa tôi và nhà nhiếp ảnh Xuân Lâm đi chụp ảnh ở khu tập trung Quán Ngang những ngày đầu giải phóng. Anh Nguyễn Minh Thành thì còn cất giữ bức ảnh nhỏ cỡ 3x4 hồi ấy chúng tôi chụp và in tặng cho các anh chị. Bức ảnh ấy chụp chị Thu Hồng, chị Nguyễn Thị Bé và anh Thành. Anh Thành cất rất cẩn thận, sau chụp lại và phóng to hơn để lưu giữ kỷ niệm về những năm tháng ấy. Chị Mai Thị Hương, du kích xã, là em ruột của anh Mai Văn Đồng. Anh Đồng năm 1972 là bí thư đảng uỷ xã Gio Mỹ, người tôi từng gặp, đã mất vài năm trước. Chị Mai Thị Hương bây giờ sống ở Khe Sanh, nghe tin chị cũng về lại Gio Linh cùng dự gặp mặt...

Chúng tôi đã có một bữa cơm thân tình trên vùng đất cũ, không xa đồi 31 và căn cứ của những người du kích Gio Mỹ năm xưa. Những tình cảm chân thành mộc mạc của các anh các chị để lại trong tôi những ấn tượng thật đặc biệt.

Chú thích ảnh
Bên mộ liệt sĩ Thu Hồng.

Trở lại Gio Linh lần này, tôi còn có dịp gặp lại chị Hoàng Thị Chẩm, người du kích bắn tỉa nổi tiếng trên vành đai diện tử McNamara năm xưa. Chị là người tôi đã viết trong bài “Trên vành đai điện tử “ quen thuộc với bạn đọc từ những năm tháng ấy.

Năm 1972, sau đợt đầu của chiến dịch tổng tiến công, tôi đã về xã Trung Hải, viết về cuộc sống của người dân ở đây sau giải phóng. Tôi đã về thăm gia đình ông Hoàng Văn Triệc, một lão du kích nhiều năm bám trụ trên vành đai. Nữ du kích Hoàng Thị Chẩm, hay o Chẩm theo cách gọi vùng này, là con gái của ông Triệc, năm đó 21 tuổi, nổi tiếng về tinh thần chiến đấu kiên cường và tài bắn tỉa. Trong những năm tháng ấy, mình chị đã bắn hạ 36 lính Sài Gòn ở Dốc Miếu, chỉ huy khẩu đội 12 ly 7 cùng đồng đội bắn rơi máy bay... Tôi không bao giờ quên hình ảnh chị đưa tôi đi thăm vành đai ngày ấy. Khói đốt đồng cuộn bay khi bà con Trung Hải từ khu tập trung trở về quê cũ, chuẩn bị cho vụ lúa mới trên đất đai còn không ít bom mìn. Ngay sau giải phóng, cuộc sống mới đã bắt đầu với gia đình Hoàng Thị Chẩm và bà con vùng giới tuyến này.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Anh Trần Xuân Tiếp, cán bộ xã Gio Mỹ; chị Thu Lan, em gái liệt sĩ Thu Hồng; nhà báo Trần Mai Hưởng; anh Nguyễn Văn Em, nguyên Trưởng ban An ninh xã Gio Mỹ thời kỳ 1972.

Sau hoà bình, chị Chẩm đã cùng gia đình làng xóm xây dựng lại cuộc sống trên quê hương. Chị đã có một gia đình hạnh phúc, yên ấm, đông con cháu. Ngoài công việc đồng áng, chị còn trở thành người hộ sinh tình nguyện, giúp chăm sóc sức khoẻ cho bà con trong vùng. Nhiều đứa trẻ ra đời trên mảnh đất từng là nơi đạn bom, chết chóc và chia ly này, dưới bàn tay của bà đỡ Hoàng Thị Chẩm. Chúng tôi đã về thăm ngôi nhà nhỏ của chị bên dòng dòng sông Bến Hải, ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng nhiều ác liệt nhưng sâu nặng tình người trên mảnh đất này. Tôi đã tặng lại chị bài viết “ Trên vành đai điện tử” viết về chị và người dân Trung Hải từ 51 năm trước.

Chúng tôi đã đến thăm gia đình bác Phan Chung, thắp hương tưởng nhớ người Bí thư huyện uỷ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Gio Linh để làm nhiệm vụ một phóng viên TTXGP. Sau này, bác Phan Chung là Bí thư huyện Bến Hải, rồi Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Quảng Trị, chúng tôi vẫn có những mối liên hệ ân tình. Bác mới mất vài năm trước. Anh Phan Phụng, con trai cả bác Phan Chung, người sau này cũng là Bí thư huyện Gio Linh, hiện là Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị, cùng bác gái tiếp chúng tôi. Thật cảm động khi Phan Phụng nói: “Ba em lúc còn sống vẫn nhắc đến anh, nhắc cả bài "Những đàn cò trắng bên sông Hiền Lương" anh viết nữa".

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng các đồng nghiệp ở cầu Hiền Lương.

Bài viết Phan Phụng nhắc liên quan đến chuyến đi vào năm 1985, kỷ niệm 10 năm đất nước thống nhất. Dịp ấy, tôi trở về Bến Hải, khi ấy là huyện mới bao gồm cả Gio Linh và Vĩnh Linh, nơi Phan Chung đang là bí thư. Bác đưa tôi đi thăm các xã trong huyện, trò chuyện về những ngày tháng qua và hướng phát triển của Bến Hải trong những năm sắp tới. Nhiều kỷ niệm vui, buồn trên mảnh đất này được bác chia sẻ, tâm sự. Tôi nhớ mãi lời trách của bác khi ấy:

- Tụi mình đọc báo, nghe đài đều biết các ông đi mô, về mô, những người đã một thời gắn bó với Quảng Trị. Nhưng sao ít về Vĩnh Linh, Bến Hải quá, e quên mất nhau rồi chăng?

Sau lần ấy, tôi viết bài ký “Những đàn cò trắng bên sông Hiền Lương”, kể về cuộc sống mới trên mảnh đất này, đăng trên báo Văn Nghệ. Khi báo ra, bác Phan Chung gọi điện ra Hà Nội cho tôi nói rằng, mọi người ở Vĩnh Linh, Bến Hải rất thích bài viết đó. Khi chương trình Văn Nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài này, bác Phan Chung đã báo cho nhiều người cùng nghe. Tôi nhớ, nghệ sĩ Tuyết Mai đã đọc bài viết ấy rất truyền cảm.

Sau đó, một lần tôi tiếp một người khách từ Bến Hải ra Hà Nội họp. Anh chuyển cho tôi một gói quà, trong có một miếng vải, một gói mì chính, và mấy chữ viết tay của bác Phan Chung. Bác gửi cho tôi miếng vải may bộ quần áo, một món quà thật là quý thời gian ấy. Bác dặn tôi đưa biếu chị Tuyết Mai gói mì chính và nói rằng, bà con Bến Hải nhờ chuyển lời cảm ơn chị vì đã đọc rất hay bài bút ký ấy. Tôi đến cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam trên đường Bà Triệu, tìm chị Tuyết Mai, trao gói mì chính và nói rõ lý do. Chị Tuyết Mai rất ngỡ ngàng, xúc động với món quà đặt biệt đó và nhờ tôi chuyển lời cảm ơn vào Bến Hải. Có lẽ, trong đời nghệ sĩ, phát thanh viên của chị, đấy cũng là một kỷ niệm đặc biệt.

Chú thích ảnh
Cùng các đồng nghiệp tới thăm và gặp gỡ gia đình bác Phan Chung.

Năm 2007, tôi dẫn đoàn các phóng viên trẻ của TTXVN về thăm Quảng Trị. Chúng tôi lại có dịp gặp bác Phan Chung, cùng nhau ôn lại mọi chuyện đã qua. Bác Phan Chung hát “Câu hò trên bến Hiền Lương” rất tha thiết tình cảm cho các phóng viên TTXVN nghe . Hôm sau bác còn đi cùng chúng tôi trở lại Cồn Tiên, Hiền Lương… và vui vẻ trò chuyện với các nhà báo trẻ về những ngày đã qua. Tôi rất bất ngờ khi trong buổi găp mặt chia tay năm ấy, bác mang theo một bức ảnh và giới thiệu với mọi người:

- Đây là bức ảnh nhà báo Trần Mai Hưởng chụp cho mình năm 1972 bên cầu Hiền Lương, vào những ngày đầu giải phóng. Mình vẫn giữ như một kỷ niệm quý báu của những năm tháng ấy !

Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước, nhưng Gio Linh, Quảng Trị , với những năm tháng trẻ trung, sôi nổi của một thời lửa đạn đã để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời làm báo của tôi. Lần trở lại Gio Linh những ngày này, với những cuộc gặp gỡ thật đặc biệt, càng làm cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình đất, tình người nơi đây.

Trần Mai Hưởng
Những suất cơm trưa ấm áp tình người
Những suất cơm trưa ấm áp tình người

Gần 3 tháng nay, địa chỉ của nhóm làm cơm từ thiện 5.000 đồng/suất phục vụ cho người khó khăn tại số nhà 44 đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đang dần trở thành điểm đến thân quen, ấm áp của nhiều người nghèo mỗi buổi trưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN