Tình dân với rừng

Đến vùng U Minh Hạ trong những tháng mùa khô - tháng cao điểm của công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, mới cảm nhận được hết cái tình của người dân đối với rừng nơi đây. Dù đời sống kinh tế của người dân nơi đây là vùng “trũng nghèo” của tỉnh Cà Mau, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân luôn xem rừng là “người mẹ” chở che, nuôi nấng họ bằng những dòng “sữa ngọt”.


 

Ông Sáu Bé, ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Văn Thời chỉ cho xem một kèo ong mật trên lâm phần của mình, chỉ khoảng hơn 1 tuần nữa sẽ tiến hành lấy mật.

 

Từ xưa đến nay, người dân nơi đây sống bám vào rừng. Thiếu ăn thì vào rừng bắt ong, bắt cá đem đổi gạo, rồi cứ thế mà sống. Bắt ong là nghề truyền thống và là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nơi đây, vì có thể bắt ong đều đặn quanh năm. “Dù vào mùa mưa, việc bắt ong tuy không bằng thời điểm từ tháng giêng đến cuối tháng tư âm lịch hàng năm, nhưng vẫn sống được. Tụi tui ví những giọt mật như là những dòng sữa ngọt quý giá của “mẹ rừng” ban tặng mà không bao giờ cạn”, ông Sáu Bé ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Văn Thời ví von.


Sống với “mẹ” rừng...


Ông Sáu Bé cũng như nhiều hộ dân nơi đây đã bám trụ vùng đất U Minh Hạ lập nghiệp từ khi còn trẻ. Khi hỏi tại sao ông chọn đến vùng U Minh Hạ mà người ta ưa ví rằng “Muỗi kêu như sáo, đĩa tựa bánh canh” thì ông Sáu Bé nói rằng: “Cũng giống mấy con ong, cũng theo mùi bông tràm nở mà tụ họp về đây “làm tổ” thôi”.


Rừng U Minh khắc nghiệt nhưng có lẽ đó là sự khắc nghiệt của một bà mẹ khó tính nhưng vẫn đầy ắp tình thương yêu khi ban cho những dòng sữa ngọt để nuôi lớn các con. Ấy thế nên nếu như những năm đầu ông Sáu Bé mới về đây, cả một vùng U Minh rộng lớn mà chỉ lèo tèo vài ba nóc nhà thì đến nay chỉ tính riêng quanh vùng đệm cũng đến gần 500 hộ.


Ông Sáu Bé hồi tưởng, những năm tháng trước đây, nghề bắt ong chỉ biết dựa vào cánh rừng nguyên sinh bao la phía sau phần đất này. Mùa khô cũng là thời điểm cho chất lượng mật ong tốt nhất trong năm. Do đó, người dân nơi đây đang ráo riết tranh thủ đi bắt ong để tăng thêm thu nhập trong thời gian nông nhàn chờ vụ lúa hè thu. Nghề ăn ong đã trở thành nghề truyền thống của đất rừng U Minh Hạ. Tuy nhiên, theo ông Sáu Bé, các vụ cháy rừng thường do người dân vào rừng bắt ong vô ý gây ra. Chỉ một tia lửa nhỏ, một tàn thuốc bỏ quên... cũng đủ làm lớp thực bì, than bùn dày hàng mét dưới tán rừng bốc cháy. Theo lực lượng kiểm lâm ở đây cho biết, nếu để xảy ra cháy vào thời điểm này sẽ gây cháy lớn, cháy âm ỉ suốt hàng tháng trời cho đến khi mưa xuống mới chấm dứt.


Chính điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong việc vừa bảo đảm sinh kế cho người dân nhưng vẫn làm tốt công tác bảo vệ rừng. Nhất là khi mật ong rừng U Minh có giá trị kinh tế ngày càng cao vì vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công nhận và bảo hộ thương hiệu mật ong rừng U Minh.


Cùng nhau bảo vệ rừng


Ông Huỳnh Ngọc Cung, Trưởng ấp Vồ Dơi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Ấp Vồ Dơi có 863 ha đất thì có đến hơn 130 ha bị nhiễm phèn nặng nên chỉ canh tác một vụ lúa nhưng hiệu quả không cao. Chỉ 1/3 diện tích ở đây là có thể canh tác lúa hai vụ. Vì lẽ đó, cái nghèo cứ đeo đuổi người dân, còn họ thì bấu víu vào rừng, vào từng tổ ong hết đời này đến đời khác. Do đó, yêu cầu đặt ra là làm sao để người dân nơi đây vừa duy trì nghề khai thác mật ong vừa đảm bảo được sinh kế bền vững thì đó mới là cái gốc của vấn đề. Chính vì vậy tổ hợp tác bắt ong đã ra đời để giải quyết bài toán nói trên”.


Từ giữa năm 2013, Quỹ đầu tư sinh quyển - sinh thái Cà Mau đã đầu tư bước đầu cho 55 hộ ở đây để thành lập tổ hợp tác bắt ong với kinh phí 1,5 triệu đồng/hộ nhằm đầu tư trang bị dụng cụ như: bình hun khói (bình được chế tạo giữ khói tránh việc người đi bắt ong mang lửa vào rừng, dễ dẫn đến cháy rừng), đồ bảo hộ… Ông Nguyễn Văn Hây, Tổ trưởng tổ hợp tác bắt ong, cho biết: “Mục đích là khuyến khích người dân khai thác và bắt ong trên chính lâm phần của mình đã được Nhà nước giao cho quản lý, tránh tình trạng tự ý vào rừng bắt ong trái phép dẫn đến cháy rừng. Riêng gia đình tôi hiện có thu nhập không dưới 4 triệu đồng/tháng từ nghề bắt ong trên chính lâm phần của mình. Đến nay tổ đang hoạt động rất có hiệu quả và sẽ mở rộng số hộ tham gia vào tổ hợp tác trong thời gian sắp tới”.


Ông Sáu Bé đưa chúng tôi ra phần rừng tràm mới trồng lại được 3 năm tuổi trên lâm phần được Nhà nước giao cho sản xuất từ những năm 1987. Chỉ tay về tổ ong to hơn một sải tay mà theo ông tổ này lấy được 3-4 lít mật, ông nói: “Mình chỉ việc gác kèo cho ong kéo về làm tổ, ong hút mật từ chính cánh rừng nguyên sinh kia đem về xây tổ. Nếu vào rừng, bắt ong rồi bất cẩn gây cháy rừng thì biết lấy gì mà sống”.


Nhờ phát huy hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho gần 500 hộ sống ở vùng đệm quanh rừng, đời sống người dân đã gắn bó với rừng nay lại càng mật thiết. Việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng song song với việc phối kết hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho người dân có thể khai thác và phát huy hết tiềm năng của rừng mang lại để phục vụ cho chính đời sống người dân mới là điều kiện tiên quyết để giải bài toán bảo vệ và phòng chống cháy rừng hiện nay, ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ khẳng định.


Bài và ảnh: Huỳnh Thế Anh

Đốt đồng lo cháy rừng
Đốt đồng lo cháy rừng

Nhiều cánh rừng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang nằm trong diện cảnh báo có nguy cơ cháy lên đến cấp 5. Tuy nhiên, rất nhiều khu vực đồng, rẫy của người dân nằm gần rừng cũng đang vào mùa đốt rơm, rạ để chuẩn bị mùa vụ mới. Nguy cơ cháy rừng tăng lên rất cao.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN