Tin đồn vỡ đập, hàng nghìn người cuống cuồng tránh lũ

Do ảnh hưởng của bão số 10, đêm 1 và cả ngày 2/10 tại huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có mưa to trên diện rộng. Mưa lớn, cộng với lượng nước tích trữ từ trước nên thủy điện Đăk Mi 4 buộc phải xả lũ với lưu lượng 2000 m3/s. Nước xả từ hồ chứa thủy điện và lượng nước trên hệ thống các sông đổ về với lưu lượng lớn khiến nhiều xã ở huyện Đại Lộc có nguy cơ ngập lũ.

Do nhận được thông tin thiếu chính xác là đập thủy điện Đăk Mi 4 bị vỡ nên hàng nghìn hộ gia đình sống dọc lưu vực sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc đã cuống cuồng di chuyển tránh lũ.

Thông tin đập thủy điện Đăk Mi 4 bị vỡ là thiếu chính xác. Ảnh minh họa - dantri.com.vn


Từ trưa 2/10 đến chiều tối cùng ngày, hàng nghìn hộ dân ở các xã vùng cao như Đại Đồng, Đại Quang, Đại Hồng, huyện Đại Lộc đã di chuyển người già và trẻ em đến những nơi cao ráo, an toàn hơn. Nhiều hộ gia đình chuyển tài sản lên gác mái để tránh bị lũ cuốn trôi. Hàng trăm hộ gia đình lùa vật nuôi lên các triền núi cao để tránh lũ... Ông Nguyễn Cường, người dân xã Ðại Quang, huyện Ðại Lộc cho biết: "Qua hệ thống loa truyền thanh trong xã, bà con nhận được thông tin thủy điện Ðăk Mi 4 bị vỡ đập, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ là cả xã Ðại Quang sẽ bị ngập nặng nên bà con đã di chuyển đồ đạc, tài sản có giá trị cùng vật nuôi đến nơi ở an toàn hơn".

Trong khi đó ông Nguyễn Ngân - Cán bộ Mặt trận thôn Vĩnh Phước, xã Ðại Ðồng, huyện Ðại Lộc cho biết: Khi nhận được thông tin vỡ đập thủy điện, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã thông báo và vận động nhân dân khẩn trương di chuyển đến nơi ở an toàn. Trong mùa mưa lũ, tính mạng con người là quý nhất nên địa phương đã huy động toàn bộ những hộ trong diện có nguy cơ ngập lũ nặng di chuyển đến những nơi ở an toàn hơn.

Tại cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia, chúng tôi gặp ông Nguyễn Tấn Binh, cán bộ thôn Dục Tịnh, xã Ðại Hồng đang giải thích về sự nhầm lẫn trên cho hàng trăm hộ gia đình đang di chuyển đến nơi cao ráo. Ông Binh cho biết: Vì thông tin không chính xác nên đã gây nên lo lắng trong nhân dân. Ngay từ trưa 2/10, hàng trăm hộ dân trong xã đã vội vã di chuyển tài sản đến nơi đất cao. Ðến chiều 2/10, toàn bộ người già và trẻ em trong xã cũng đã di chuyển đến nơi ở an toàn.

Qua công tác nắm thông tin, đến chiều 2/10, chính quyền địa phương đã thông báo cho nhân dân về thông tin vỡ đập thủy điện Ðăk Mi 4 là không đúng sự thật; đồng thời vận động bà con yên tâm trở về nhà.


Ông Phan Ðức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðại Lộc xác nhận: Ban đầu do nhận được thông tin không chính xác nên người dân ở nhiều xã trong huyện sống ở lưu vực sông Vu Gia rất lo lắng. Nhưng sau đó nhờ thông tin kịp thời nên tình hình trật tự đã được lập lại. Ðến tối 2/10, tình trạng hoảng loạn do thông tin không chính xác đã chấm dứt.


Ðoàn Hữu Trung

Tích cực tìm kiếm người mất tích trong hồ thủy điện Hố Hô
Tích cực tìm kiếm người mất tích trong hồ thủy điện Hố Hô

Đến 17 giờ ngày 2/10, lực lượng chức năng huyện Hương Khê vẫn chưa tìm thấy anh Phan Tiến Dũng (sinh năm 1973, xã Hương Trạch) mất tích trong lòng hồ thủy điện Hố Hô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN