Tiếp tục nâng cao chất lượng xuất bản

“10 năm qua, ngành xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, để ngành này phát triển hơn nữa cần có những chiến lược cụ thể, lâu dài...”. Đó là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/1.


10 năm ra đời hơn 41.000 tựa sách


Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, hoạt động xuất bản - in - phát hành của thành phố hơn 10 năm qua đã xuất bản hơn 41.000 tựa sách với hơn 114.280 ngàn bản in, tổng doanh thu đạt gần 800 tỉ đồng, bình quân mỗi năm tăng 10,5 - 12%, chiếm 60 - 65% sản lượng in cả nước. Trong đó, coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa đọc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.


Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Thực hiện đúng theo tinh thần Chỉ thị 42, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, thời gian qua, hoạt động xuất bản, in và phát hành của TP HCM cũng đã hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần nâng cao kiến thức trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân. Theo đó, TP đã ưu tiên trợ giá xuất bản sách về Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa dân tộc…Gần đây, sách về chủ quyền biển, đảo được chú trọng khai thác và xuất bản. Chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm được nâng cao, quy hoạch xuất bản có tập trung.

Nâng cao chất lượng ngành xuất bản, đầu tư xứng tầm để hạn chế sách có nội dung "xấu", sách "lậu"... trên địa bàn TP.


Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn xuất hiện các xuất bản phẩm có nội dung không phù hợp với lối sống và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, trong khi đó lại thiếu ấn phẩm giá trị cao. Công tác biên dịch xuất bản phẩm Việt Nam ra tiếng nước ngoài chưa đạt yêu cầu do năng lực đội ngũ biên dịch viên còn yếu. Tình trạng sách in lậu, in nối bản, vi phạm quyền tác giả, vi phạm quảng cáo trên xuất bản phẩm đang vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và thanh tra chuyên ngành, liên ngành. Nhiều nhà xuất bản không kiểm soát được nội dung ấn phẩm liên kết, chất lượng sách trang bị và luân chuyển về bưu điện văn hóa xã - phường còn hạn chế. Nguồn lực đảm nhiệm việc luân chuyển sách phục vụ người đọc còn quá mỏng; cơ sở vật chất thư viện các quận-huyện, bưu điện văn hóa xã - phường chưa đạt chuẩn để có có thể hấp dẫn, thu hút công chúng đến đọc sách.


“Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên, sắp tới TP sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ xuất bản sách đề tài chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng, về bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc… để hạn chế dần các loại sách có nội dung “xấu” ảnh hưởng đến văn hóa đọc của người dân. Đồng thời, chăm lo hơn nữa về tư tưởng, chính trị trong giới trẻ để phát triển văn hóa đọc lành mạnh, phát triển hệ thống thư viện đạt chuẩn tại phường xã. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực xuất bản để kịp thời phát hiện những loại sách có nội dung “xấu” ảnh hưởng đến môi trường giáo dục…”- ông Minh cho biết thêm.


Cần đầu tư  phát triển xứng tầm


Là thành phố phát triển mọi mặt về kinh tế - văn hóa - giáo dục, tuy nhiên 10 năm qua ngành xuất bản vẫn chưa phát triển xứng tầm. Vì vậy, TP.HCM cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho hoạt động xuất bản, tương ứng với tiềm năng của một thành phố năng động đi đầu trong hội nhập và phát triển.


Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà Xuất bản Trẻ cho rằng: Muốn hoạt động xuất bản phát triển, không có cách nào khác là phải đầu tư. Đầu tư theo nghĩa toàn diện về cả con người, sự định hướng, chỉ đạo… Một đất nước gần 90 triệu dân nhưng không còn ai viết sách cho thiếu nhi. Hơn 1.000 hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam và gần 400 hội viên Hội Nhà văn TP đang làm gì mà để con trẻ đang lớn lên từng ngày với những giá trị không phải thuần Việt. Vì vậy, TP sớm đầu tư thật mạnh cho văn hóa, sớm có chiến lược về phát triển xuất bản, để những thế hệ lớn lên với “Cô Tấm, Quả Thị” sẽ khác với thế hệ lớn lên bằng những câu chuyện, truyện tranh nước ngoài.


Trong khi đó, ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP cho biết: TP đã có 3 nhà xuất bản do thành phố quản lý, có 4 nhà xuất bản do cơ quan Trung ương quản lý, 7 văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài đặt tại thành phố và 29 nhà xuất bản của Trung ương và địa phương có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện đóng tại thành phố. Tuy nhiên, TP mới chỉ có hai nhà xuất bản xây dựng sách điện tử, tuy nhiên quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa đủ sức hấp dẫn nhu cầu bạn đọc. Trong khi đó, xu thế phát triển của sách điện tử đang trên đà phát triển mạnh mẽ, do đó đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực con người… tương xứng.


Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Là trung tâm sách sôi động nhất cả nước, sắp tới TP tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố sách và trung tâm phát hành sách theo quy hoạch của Chính phủ. Quy hoạch lại cơ sở in về một điểm xa khu vực trung tâm để vừa đảm bảo môi trường, vừa quản lý chặt chẽ, ngăn chặn được nạn in lậu. Tiếp tục phát triển sách đến hệ thống các thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân vùng nông thôn. Thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển, năm nhiệm vụ và sáu giải pháp trong Chỉ thị 42.


Bài ảnh: Hoàng Tuyết


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN