Tiến dần số hóa nơi công sở

Một cán bộ lâu năm công tác trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) cho biết: Việt Nam hiện có hơn 11.000 đơn vị hành chính cấp xã. Nếu một văn bản của Chính phủ cần gửi xuống tận cấp xã mà phải đi qua đường công văn thông thường sẽ mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể tiền giấy, phí bưu chính và công sức để huy động lực lượng lao động tham gia hoạt động “truyền tin” này. Do vậy, nếu đưa được CNTT vào “ngõ ngách” của đời sống sẽ phần nào giải quyết được bài toán trên.

“Khai tử” việc “truyền tin thô sơ”

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT), nếu được số hóa công sở, việc gửi văn bản đến tất cả các đơn vị hành chính này chỉ trong nháy mắt. Công văn được lưu truyền dưới hình thức điện tử, được phê duyệt qua các cấp bằng chữ ký số. Quy trình này sẽ “khai tử” hàng loạt những thói quen soạn thảo, in ấn, lưu hành giấy tờ cơ bản mà vẫn đảm bảo được tính bảo mật.

Tuy nhiên, để công nghệ số hóa được áp dụng thành công vào môi trường làm việc với văn bản giấy in vốn đã hình thành từ lâu thì bên cạnh việc phổ biến cách sử dụng chữ ký số của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp thì “ý thức” người sử dụng cũng rất quan trọng.

Việt Nam hiện có 5 nhà cung cấp “Giải pháp Văn phòng ảo V - Office” (phần mềm quản lý công việc, công văn). Tuy nhiên xem ra giải pháp được cung cấp bởi các doanh nghiệp viễn thông là được ưa chuộng hơn cả bởi nó được kết hợp giữa dịch vụ đường truyền dữ liệu và dịch vụ SMS để giao việc và thông báo bằng tin nhắn đến nhân viên, đồng thời tích hợp với dịch vụ Chứng thực chữ ký số (CA) để thực hiện ký việc duyệt văn bản trực tuyến, xóa bỏ khoảng cách về không gian địa lý.
Trao đổi với Tin Tức, ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết, Viettel đang phối hợp cung cấp giải pháp văn phòng ảo V - Office cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, bên cạnh đó từng bước xuất khẩu giải pháp của Viettel ra thị trường nước ngoài... “Giải pháp văn phòng ảo V - Office không chỉ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn giúp các đơn vị tiết kiệm đáng kể chi phí cũng như thời gian và sức lao động”, ông Hoàng Sơn khẳng định.

Ông Sơn cho biết thêm: Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ 2G, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng, vùng phủ 3G để phổ cập hóa các dịch vụ internet và thực hiện tốt chỉ thị của Chính phủ là đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT. Ngoài ra chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, dịch vụ để đưa viễn thông và CNTT vào mọi mặt đời sống, xã hội.

Ngoài giải pháp về văn phòng ảo, Viettel Telecom đã và đang triển khai nhiều dự án tích hợp CNTT khác như: Quản lý cán bộ, đảng viên; quản lý cán bộ, lý lịch tư pháp; quản lý thi đua khen thưởng; cảnh báo sóng thần, quản lý hồ chứa nước; hải quan điện tử; khai thuế điện tử; giải pháp quản lý giám sát kênh bán hàng... tại các bộ, ban, ngành, tập đoàn, tổng công ty lớn. Đây được xem là sự cố gắng lớn của Viettel trong việc góp phần thực hiện Đề án đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một nước mạnh về CNTT và truyền thông.

Thu Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN