Bộ Y tế vừa có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch "Tăng cường công tác an toàn tiêm chủng" nhằm tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, đảm bảo chất lượng tiêm chủng và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em.
Tiêm chủng cho trẻ tại trạm y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN. |
* Thanh tra, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủngBộ Y tế yêu cầu sở y tế chịu trách nhiệm lập danh sách tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn (kể cả các điểm tiêm chủng dịch vụ) và tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện tất cả các điểm tiêm chủng. Trường hợp cần thiết thì kiểm tra lại các điểm đã được thanh tra, kiểm tra để xác định tiến độ khắc phục những tồn tại.
Dựa trên kết quả thanh tra, kiểm tra, sở y tế xây dựng kế hoạch khắc phục ngay những tồn tại trong công tác tiêm chủng của các điểm tiêm chủng trên địa bàn trình lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch để đảm bảo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn phải đạt đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định về tiêm chủng trước khi triển khai tiêm chủng
Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng chủ trì, phối hợp Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược và các đơn vị liên quan thành lập 2 đoàn thanh kiểm tra và tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 tỉnh, thành phố về sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bao gồm: 2 tỉnh tại khu vực phía Bắc, 2 tỉnh tại khu vực miền Nam, 1 tỉnh tại khu vực miền Trung và 1 tỉnh tại khu vực Tây Nguyên. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục kiểm tra các tỉnh theo khu vực phụ trách.
* Đảm bảo chất lượng vắc-xin Bộ Y tế yêu cầu kiểm định trước khi sử dụng vắc xin trên thị trường. Với vắc xin nhập khẩu đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế tiến hành kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo quy định. Đối với vắc xin sản xuất trong nước đã được cấp giấy phép lưu hành phải được Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm định và cấp giấy phép xuất xưởng từng lô trước khi sử dụng theo quy định.
Riêng với vắc-xin Quinvaxem đang được bảo quản ở các tuyến, Cục Quản lý Dược chỉ đạo Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế lập kế hoạch lấy mẫu kiểm định tất cả các lô vắc xin còn thời gian bảo quản theo quy định trước khi đưa vào sử dụng.
Trong quá trình triển khai tiêm chủng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế lấy mẫu kiểm định ngẫu nhiên; Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế thực hiện kiểm định mẫu vắc xin liên quan khi xảy ra phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Bộ Y tế yêu cầu sở y tế, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh tổ chức tập huấn cho tất cả các cán bộ tiêm chủng chưa được tập huấn và những cán bộ đã được tập huấn, được cấp Giấy chứng nhận thời gian từ 3 năm trở lên (kể cả ở các bệnh viện tuyến trung ương). Nội dung tâp huấn gồm: Văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế; việc tiếp nhận, vận chuyển, cấp phát, bảo quản vắc xin, thực hành tiêm chủng an toàn, hướng dẫn chăm sóc theo dõi sau tiêm chủng, giám sát thực hành tiêm chủng và điều tra phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm chủng; nâng cao năng lực về đánh giá phản ứng sau tiêm chủng cho các thành viên Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế các tỉnh, thành phố.
* Không quá 50 trẻ/buổi tiêm Bộ Y tế khẳng định: Chỉ các cơ sở y tế được Sở Y tế thanh tra, kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện tiêm chủng mới được tổ chức tiêm chủng. Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm chủng phụ thuộc vào số trẻ trên địa bàn.
UBND tỉnh, thành phố quyết định chọn một hoặc nhiều ngày tiêm chủng mỗi tuần hay mỗi tháng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo số lượng trẻ tiêm không quá 50 trẻ/buổi tiêm. Đối với các bệnh viện sản nhi tiêm chủng với số lượng lớn phải bố trí các điểm tiêm phù hợp để đảm bảo số trẻ mỗi buổi tiêm chủng tối đa không quá 50 trẻ.
Sở Y tế cử cán bộ chuyên môn đã được tập huấn về khám sàng lọc, sơ cấp cứu khi có tai biến tham gia buổi tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn; thực hiện buổi tiêm chủng theo đúng hướng dẫn. Cán bộ y tế phải tư vấn đầy đủ cho gia đình, người được tiêm chủng; chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ cho gia đình, người được tiêm chủng và được sự đồng ý của gia đình, người được tiêm chủng.
Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế phải đưa cho gia đình, người được tiêm chủng kiểm tra tên vắc xin, hạn sử dụng của lọ vắc xin sẽ tiêm; công bố công khai số điện thoại của điểm tiêm chủng và tên người có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến tiêm chủng; cử cán bộ theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng trong thời gian 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Đồng thời, hướng dẫn gia đình, người được tiêm chủng theo dõi tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng. Khi có dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng thì phải đưa ngay người được tiêm đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị đến khi ổn định.
Bộ Y tế yêu cầu sở y tế bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng; đồng thời, phân công cán bộ giám sát và hỗ trợ trong buổi tiêm chủng...
Thu Phương