Tích hợp dữ liệu phải có sản phẩm cụ thể hữu ích cho người dân

Ngày 12/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý II/2023 với các cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) các Bộ ngành và 63 Sở TTTT địa phương.

Theo đại diện Sở TTTT Bắc Kạn, ứng dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp địa phương còn khó khăn. Khi gửi mẫu đánh giá, các doanh nghiệp gần như không phản hồi. Còn đại diện Sở TTTT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay quá trình tích hợp dữ liệu đang được các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các ngành triển khai. Việc tích hợp dữ liệu này sau 3-6 tháng phải có sản phẩm cụ thể hỗ trợ thực tiễn cho người dân và doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp giao ban quý II/2023 Bộ Thông tin Truyền thông.

Về chuyển đổi số (CĐS), Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần nhận thức “CĐS theo góc nhìn Việt Nam là sự hội tụ của hầu hết mọi thứ”. Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS là công nghiệp hoá - hiện đại hóa. Công nghiệp hóa chính là CĐS lĩnh vực sản xuất, còn hiện đại hóa là CĐS toàn dân và toàn diện. CĐS cũng là kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức chính là kinh tế số.  CĐS cũng là đổi mới sáng tạo, là ứng dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình vận hành, mô hình kinh doanh, thay đổi thể chế. CĐS cũng chính là ứng dụng khoa học công nghệ, chủ yếu là công nghệ số. Công  nghệ số là nền tảng để tạo ra chuyển đổi số, là khoa học công nghệ, vừa là vấn đề nghiên cứu, vừa là vấn đề ứng dụng. CĐS chính là thay đổi quản trị, gọi là quản trị số. CĐS cũng chính là câu chuyện phát triển nhanh, là vì kinh tế số tăng trưởng nhanh. Bây giờ kinh tế số đã đóng góp 15% GDP, cứ tăng gấp 3, 4 lần GDP. “Kinh tế số là động lực tăng trưởng của chúng ta trong dài hạn, trung hạn và chính là cái để chúng ta đạt đến mốc năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Cụ thể các công việc 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý việc đầu tiên là dịch vụ công toàn trình. Đó là không đến công sở, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đạt 95% vào năm 2025.

Việc thứ hai là chính quyền số, quản trị số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm nay, Bộ TTTT trở thành một bộ mẫu về quản trị số. Riêng về chính quyền số, quản trị số, xem xét cân nhắc làm tỉnh số khi xã và huyện đã có mẫu mô hình.

Một việc nữa là làm sao ra được giá cho nền tảng rẻ xuống. “Phải ra được cơ chế cho nền tảng, nếu không sẽ dẫn đến lãng phí. Thời CĐS là nền tảng số. Lời giải độc đáo của CĐS Việt Nam là nền tảng số dùng chung, làm rời rạc có khi mất đến 10 năm nữa. Làm nền tảng số dùng chung thì triển khai nhanh được cho cả 63 tỉnh. Tỉnh nào có điều kiện hơn, thì bổ sung nền tảng và thử nghiệm trước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Về kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Kinh tế số là trọng tâm của CĐS, tạo ra sự phát triển của nền kinh tế. Kinh tế số chủ yếu là CĐS ngành. Mỗi ngành phải xác định các nền tảng số ngành để triển khai và công bố để doanh nghiệp phát triển”.

“CĐS là chuyển đổi toàn bộ cách vận hành, cách làm, đổi mới sáng tạo mô hình quản trị, mô hình kinh doanh của lĩnh vực. Các cơ quan chuyên trách CNTT Bộ, ngành, phải lưu ý để dẫn dắt thay đổi toàn bộ ngành, đưa công nghệ số vào, thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi quản trị và thúc đẩy kinh tế số trong ngành đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bộ trưởng cũng lưu ý về hạ tầng số quốc gia thì có hạ tầng viễn thông. Các tỉnh lưu ý về tốc độ di động. Bộ sẽ ra tiêu chuẩn 40Mbit/s đối với di động và 90% hộ gia đình có cáp quang. Hiện nay, nhiều tỉnh đã đạt hạ tầng cáp quang tới 95 - 96%, có tỉnh đạt 100%. Sở TTTT phải lập kế hoạch hàng năm về phát triển.

Sau hạ tầng viễn thông là hạ tầng dữ liệu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức đây là lĩnh vực quan tâm và tham gia. Việt Nam xây dựng có hạ tầng đám mây riêng, phấn đấu trở thành hub đám mây. Doanh nghiệp Việt Nam phải dùng đám mây Việt Nam và có tiêu chuẩn cho lĩnh vực.

 

XM/Báo Tin tức
Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016
Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016

Ngày 10/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, báo Vietnamnet) và Trường Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi - Luật Báo chí 2016: Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN