Thuốc lá - “thủ phạm” chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Trung bình cứ 100 người dân Việt Nam thì có 2 đến 6 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Điều đáng lưu ý: 80 – 90% bệnh nhân mắc bệnh là do hút thuốc lá.

Hút thuốc lá càng sớm, nguy cơ mắc bệnh càng cao

“Tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) vào điều trị chiếm khoảng 26% tổng số bệnh nhân. Phần lớn là bệnh nhân COPD có tiền sử tiếp xúc với thuốc lá, thuốc lào, trong đó có người hút thuốc lá khi mới 7 – 8 tuổi và mắc bệnh nặng khi mới 30 tuổi…”, PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Hội nghị khoa học hưởng ứng Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu (16/11), tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/11.

Nghiện thuốc lá gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo nhiều chuyên gia y tế, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dẫn đến mắc COPD, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện 80-90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Tuy nhiên, có khoảng 10-20% bệnh nhân không hề hút thuốc. Các bệnh nhân nhóm này có thể do hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá do người khác hút), do phơi nhiễm với bụi, khói bếp, không khí ô nhiễm…

Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, COPD là một bệnh rất ít triệu chứng đặc hiệu nên người bệnh dễ chủ quan. Ban đầu, bệnh nhân có thể chỉ ho khan kéo dài, sau đó là có đờm. Một thời gian sau, người bệnh xuất hiện dấu hiệu khó thở khi gắng sức nhiều như leo cầu thang cao, chạy bộ… Càng về sau, tần suất khó thở dày hơn dù người bệnh chỉ làm những việc nhẹ như ăn uống, thay quần áo, đi bộ…

Đặc biệt, triệu chứng ho và khạc đờm dai dẳng thường xuất hiện nhiều năm trước khi xuất hiện tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí, khiến bệnh nhân khó thở. Nhiều người bệnh chủ quan, hoặc nhầm lẫn những triệu chứng này với bệnh lý khác nên chỉ nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn rất nặng. “Hầu hết bệnh nhân nhập viện điều trị tại BV Bạch Mai đều ở giai đoạn cuối của bệnh, tức là ở giai đoạn 3- 4, trong số đó có 15% bệnh nhân đã có biểu hiện biến chứng suy tim. Điều đó chứng tỏ, trong cộng đồng còn nhiều bệnh nhân chưa được phát hiện, chỉ vào viện khi bệnh đã biến chứng nặng”, PGS.TS Ngô Quý Châu lo lắng.

COPD là căn bệnh thứ 6/10 bệnh thường gặp và là nguyên nhân được xếp vào hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam. Bệnh thường gặp nhiều ở người lớn, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Nên đi khám, phát hiện bệnh khi có triệu chứng ho, khạc đờm kéo dài và khó thở khi gắng sức.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ phía người bệnh, việc bỏ sót bệnh nhân COPD còn do sự hạn chế về trang thiết bị và khả năng chẩn đoán, phát hiện bệnh của tuyến y tế cơ sở. Và trường hợp của ông Trần Đạt Sáu ở xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ, đang điều trị tại Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai là một ví dụ điển hình.

Một bác sĩ điều trị cho biết, ông Sáu nhập viện trong tình trạng khó thở, phải dùng thuốc giãn phế quản, thở ôxy. “Thủ phạm” gây nên bệnh của ông Sáu chính là những điếu thuốc lá, thuốc lào mà ông “nghiền” từ khi chưa đầy 20 tuổi. Trước năm 2000, khi mới xuất hiện các triệu chứng ho, khó thở, ông nghĩ rằng mình bị viêm phế quản nên thường xuyên đến các phòng khám tư để khám và tự điều trị. Loanh quanh điều trị không đúng hướng nên bệnh cứ nặng dần lên. Và chỉ sau lần cấp cứu đầu tiên về, ông Sáu mới có quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Nhưng lúc đó cũng đã là muộn. Chức năng phổi đã bị tổn thương, rất khó phục hồi. Càng ngày, sức khỏe của ông càng yếu hơn, không thể lao động, dù chỉ là những việc nhỏ nhặt trong nhà.

“Năm 2000, tôi tưởng như không thể qua được trong lần cấp cứu đầu tiên. Từ đó đến nay trung bình mỗi năm 1-2 lần, cứ khi thời tiết thay đổi, nhất là chuẩn bị rét thì tôi lại bị khó thở. Mà mỗi đợt vào viện điều trị tốn kém lắm, trên dưới 10 triệu đồng…”, ông Sáu buồn rầu nói.

Khó thở nhưng không vô vọng

Theo TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi TƯ, người mắc bệnh COPD thường có tâm trạng luôn lo lắng, mệt mỏi, bị suy giảm các cơ quan chức năng… Đặc biệt, người bệnh có thể còn bị suy hô hấp và tử vong nếu vào đợt kịch phát của COPD.

Dẫu hiện tại chưa thể chữa khỏi hoàn toàn COPD nhưng bằng cách cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, có thể góp phần giảm triệu chứng của căn bệnh này, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi.

“Người bệnh cần bỏ thuốc lá, thuốc lào ngay. Bên cạnh đó, cần tuân thủ đúng điều trị của thầy thuốc, sử dụng các loại thuốc đúng cách, đúng liều lượng và thời gian. Nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân quan trọng dẫn đến đến cơn kịch phát, bệnh nhân COPD cũng nên tiêm phòng cảm cúm, viêm phổi… Người bệnh cần chú ý giữ ấm đường hô hấp trên trong những lúc thời tiết lạnh, trong những lúc giao mùa. Đồng thời, giữ không khí trong nhà sạch sẽ. Chú ý tập luyện hợp lý, giữ gìn thân thể khỏe mạnh.…”, PGS.TS Ngô Quý Châu khuyến cáo.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN