Thực trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về

Hôm qua (16/3), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã công bố đánh giá thực trạng trong giai đoạn 2004- 2008.

Nghiên cứu, điều tra khảo sát trên số lao động ở 4 tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Phú Thọ đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia trở về nước đúng hạn và trước hạn. Kết quả cho thấy: Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu tôn trọng quyền lợi của người lao động và nhận thức của người đi xuất khẩu lao động về quyền của mình còn hạn chế.

Lao động Việt Nam trở về sau hết hợp đồng làm việc ở nước ngoài

Đánh giá về hiệu quả của xuất khẩu lao động thời gian qua, nghiên cứu đều nhìn nhận xuất khẩu lao động đem lại những tác động tích cực cho bản thân người lao động và cho kinh tế của địa phương. Giai đoạn 2004 - 2009, nhìn chung số lao động đi xuất khẩu ở các tỉnh tăng, giải quyết sức ép việc làm cho địa phương. Mỗi năm, Phú Thọ có 2.400 người đi xuất khẩu lao động, Thái Bình có 2.900 người, Vĩnh Phúc có 650.000 người. Chủ yếu lao động sang các thị trường Malaixia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thứ trưởng thường trực Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa khẳng định, việc lao động đi làm việc ở nước ngoài đem lại nhiều lợi ích. Thu nhập của người đi làm việc ở nước ngoài cao hơn. Sau thời gian lao động ở nước ngoài, ý thức nghề nâng cao, đời sống của người lao động và gia đình khá hơn, giải quyết sức ép việc làm, tệ nạn xã hội cho địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình đưa lao động sang nước ngoài làm việc, vẫn còn nhiều bất cập. Một trong số đó là việc các doanh nghiệp coi thường người lao động hoặc “qua mặt” người lao động, dẫn đến những thiệt thòi cho lao động khi sang nước ngoài. Theo quy định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội người lao động phải được hiểu rõ hợp đồng lao động trước khi đi.

Tuy nhiên, bà Trịnh Thu Nga, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số lao động, việc làm (Viện Khoa học- Lao động và Xã hội) đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: số người lao động bị vi phạm thời gian ký kết hợp đồng lao động khá cao (chiếm 54,15%) trong mẫu khảo sát. Theo luật, hợp đồng phải ký trước 7 ngày (quy định trước năm 2007) và phải ký trước 5 ngày (theo quy định sau 2007).

Nhưng, “Thậm chí, có một số lao động (5,74% số người lao động) khi ra đến sân bay mới được doanh nghiệp đưa hợp đồng để ký. Hợp đồng đó, có khi còn bằng tiếng nước ngoài nên người lao động không nắm được nội dung chi tiết các điều khoản trong hợp đồng”, bà Nga cho biết.

Lý giải nguyên nhân khiến còn nhiều trường hợp doanh nghiệp vi phạm, theo nhóm nghiên cứu, do việc thanh kiểm tra các hoạt động xuất khẩu lao động chưa thường xuyên, chưa phát hiện được nhiều tiêu cực ở cơ sở. Công tác giám sát việc ký kết hợp đồng lao động và phổ biến hợp đồng lao động vẫn chưa tốt.

Khi đối thoại với chính quyền các địa phương còn cho thấy một nguyên nhân khác: Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cán bộ phần lớn đều làm kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Mặc dù hầu hết các tỉnh đều có đề án xuất khẩu lao động, hỗ trợ cho người lao động vay vốn..., nhưng việc tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động ở địa phương vẫn chưa sâu rộng.

Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức của người lao động về quyền lợi của mình chưa cao. Đa số lao động đi xuất khẩu là lao động trẻ, phần lớn là lao động xuất thân từ nông thôn, trình độ còn thấp. Chỉ có 1/3 số lao động trong diện khảo sát đã tốt nghiệp trung học phổ thông, một bộ phận đáng kể chỉ mới tốt nghiệp tiểu học.

Khi tìm hiểu thông tin trước khi đi nước ngoài làm việc, người lao động có “tâm lý đám đông” và đa số qua những kênh không chính thống. Chỉ có 3,7% số lao động biết về thông tin xuất khẩu lao động qua thông tin đại chúng và 1,69% số người tìm hiểu thông tin qua các trung tâm dịch vụ việc làm, đào tạo nghề.

Trong khi đó, “kênh” người thân, bạn bè là những người đã đi xuất khẩu lao động trước lại có ảnh hưởng rất lớn đối với họ. Chính vì thế, vẫn có tới 13,3% số lao động đi qua “cò mồi”, phải chịu chi phí cao, thiệt thòi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, tới đây, cần tăng cường bảo vệ lợi ích, quyền lợi của người lao động nước ta không những trước khi đi mà cả trong quá trình họ làm việc ở nước ngoài. Để làm được điều này, chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa đủ.

"Bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, các nước, các tổ chức xã hội tham gia nhiều hơn ngay từ trong quá trình tư vấn ở trong nước cho người lao động cho đến trong quá trình làm việc của người lao động ở nước ngoài”, Thứ trưởng Hòa nói.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN