Thực hư việc uống nước huyệt mộ 200 tuổi để chữa bệnh

Trước việc một số báo đưa tin: Ngày nào cũng tấp nập người từ khắp nơi đến nhà thờ Lác Môn, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) lấy nước từ một huyệt mộ gần 200 tuổi về uống để chữa bách bệnh, thì hầu hết người dân và lãnh đạo xã Trực Hùng đều khẳng định đây là thông tin không chính xác.

 

Thông tin không chính xác là: " Từ ngày người dân xã Trực Hùng tận mắt nhìn thấy bộ hài cốt của cụ Đỗ Tựu (một giáo dân tử vì đạo thời phong kiến cách đây gần 200 năm - theo người dân địa phương), nhà thờ Lác Môn (xã Trực Hùng) ngày nào cũng tấp nập người từ khắp nơi kéo đến. Trước thì người ta xin những dúm bông thấm máu từ bộ hài cốt, sau người ta thi nhau mang can, chai để lấy nước từ huyệt mộ về uống để chữa bệnh...

 

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đỗ mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trực Hùng khẳng định từ rất lâu rồi không còn hiện tượng người dân đến lấy nước từ huyệt mộ cụ Tựu về uống chữa bệnh. Ông Hùng cho biết thêm: "Xã trực Hùng có tổng cộng 3.052 hộ với 10.586 dân sống ở 25 xóm. Cả xã có 12 nhà thờ, trong đó có ba giáo xứ, 9 giáo họ, hiện 99,03% dân số theo đạo Thiên Chúa. Giáo xứ Lác Môn nằm trên địa bàn xóm 2, xã Trực Hùng. Giai đoạn 2001-2007, giáo dân Lác Môn tiến hành tu sửa nhà thờ, quay đầu nhà thờ từ hướng Tây sang hướng Đông. Năm 2009, giáo xứ tiếp tục cải tạo, mở rộng khoảng sân xung quanh nhà thờ, đồng thời xây dựng một số công trình như nhà mục vụ, nên đã phải di dời các ngôi mộ trong đó có mộ cụ Tựu. Trong quá trình di dời, bà con mở nắp tiểu các ngôi mộ và đến khi mở tiểu sành cụ Tựu phát hiện thấy nước màu đỏ. Nhiều người mê tín cho là máu, nhưng qua tìm hiểu, điều tra, chúng tôi kết luận nước màu hung đỏ trong tiểu sành là do nước gỉ sắt và màu gạch non phai ra từ nắp gạch vì ngày xưa tiểu sành không có nắp, các cụ thường đậy tiểu bằng gạch thất (đốt bằng cỏ)". Cũng theo ông Hùng, hồi đó vào các tháng 7/9/2009, do tin đồn nước huyệt có thể chữa được bệnh nên đã có tình trạng người dân các nơi tìm đến xin nước, song họ đến là vì hiếu kỳ chứ uống thì chưa ai xác nhận. Bản thân người dân địa phương cũng không ai tin, không ai uống. Linh mục Đỗ Hữu Trọng, Cha xứ nhà thờ Lác Môn cũng chưa bao giờ rao giảng hay tuyền truyền về hiện tượng này trong các buổi lễ. Chúng tôi đang tuyên truyền vận động giáo xứ lấp hố huyệt để khỏi bị đồn thổi". Ông Hùng khẳng định thông tin trên một số tờ báo gần đây là sai sự thật.

 

Có mặt trong khuôn viên nhà thờ Lác Môn cả buổi sáng 27/12, phóng viên cảm nhận một không khí tĩnh lặng, vắng vẻ, không giống như cảnh tấp nập như một số báo đưa tin. Trong vai một khách phương xa đến tham quan, phóng viên được ông Đoàn Văn Bân (hơn 70 tuổi, người trông coi nhà thờ) đưa đi giới thiệu. Hiện di cốt của cụ Tựu được cất trong một lăng nhỏ bên trong phòng đầu phía Đông nhà thờ, tiểu sành được để trong một tủ kính, mọi người có thể trông thấy được. Còn huyệt mộ (nằm ở phần sân sườn hữu nhà thờ) đã được kè đá (dài 0,9 m, rộng 0,8m, sâu hơn 1m), bên trên đậy một nắp tôn rộng 1m2. Ông Bân và anh Trần Văn T (20 tuổi, người xóm 4, xã Trực Hùng) cho biết: Nhà thờ giữ lại hố huyệt để làm kỷ niệm. Thời gian đầu một số người dân phương xa đến xem, lấy nước vì hiếu kỳ thôi. Bây giờ không còn ai lấy nước, thỉnh thoảng có người đến là để xin khấn, đó là điều bình thường của các nơi thờ tự". Chị Nguyễn T. H (46 tuổi), một giáo dân ở xóm 5, chia sẻ: "Lúc đầu mình thấy đồn vậy nhưng mình không tin. Ở xã này không có ai uống nước huyệt để chữa bệnh cả".

 

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Trực Hùng, ông Đỗ Mạnh Hùng, chính quyền địa phương và Trạm y tế xã đã tuyên truyền người dân và dẹp yên được hiện tượng này từ rất lâu. Còn bà Bùi Thị Thu Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định, cho biết ngành y tế đã phối hợp với chính quyền cơ sở, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh tuyên truyền cho người dân, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã lấy nước đi xét nghiệm.

 

 

Nguyễn Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN