Thực hiện hiệu quả nhiều mô hình sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng khả năng hồi phục của các hệ sinh thái và cộng đồng, nhiều mô hình huy động cộng đồng ứng phó với BĐKH đang được triển khai có hiệu quả tại Nam Định. Các mô hình này do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Công ty Ecolife và Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy hỗ trợ thực hiện.

Một góc Ecolife Café. Ảnh: Internet


Trung tâm học tập cộng đồng về BĐKH - Ecolife Café là mô hình độc đáo mới được triển khai tháng 6/2011. Sử dụng các dịch vụ từ mô hình du lịch sinh thái, trung tâm học tập cộng đồng về BĐKH tại Giao Xuân được xây dựng dưới dạng một quán cà phê đặc biệt. Đây là nơi cung cấp tài liệu, tập huấn, tổ chức sinh hoạt tập thể về BĐKH và sinh kế cho cộng đồng địa phương và khách tham gia du lịch sinh thái Giao Xuân. Theo bà Phùng Thị Thìn, người trực tiếp điều hành quán cà phê độc đáo này, Ecolife Café cũng là nơi trưng bày, cung cấp những sản vật của địa phương như tranh thêu, nước mắm, gạo quê, hoa hòe, nụ vối… được cộng đồng địa phương làm ra nhằm đem lại cho họ nguồn thu bền vững mà không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, Ecolife Café còn hoạt động như một trung tâm học tập cộng đồng với góc BĐKH, góc Internet với wifi miễn phí cho cộng đồng cập nhật thông tin về ứng phó với BĐKH và về các cách thức làm ăn mới nhằm nâng cao nhận thức và đời sống tinh thần cho cộng đồng.

Mô hình đa dạng hóa sinh kế thân thiện môi trường là một giải pháp hiệu quả nhằm tăng khả năng phục hồi của cộng đồng trước tác động của BĐKH. Ngoài những sinh kế truyền thống, người dân địa phương được giới thiệu và hỗ trợ triển khai nuôi dế, nuôi giun quế, cải tạo vườn tạp kết hợp ủ phân hữu cơ thông qua các Câu lạc bộ sinh kế thân thiện môi trường Giao Xuân, Câu lạc bộ sản xuất nấm Giao Thiện. Ngoài ra, các hộ dân còn được trang bị kỹ năng kinh doanh, kết nối thị trường, phát triển sản phẩm, đảm bảo khả năng tự tiếp cận thị trường bền vững.

Triển khai từ năm 2007, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ) là hướng đi mới trong việc giảm sự phụ thuộc của cộng đồng ven biển vào tài nguyên biển tại Nam Định. Tham gia mô hình các hộ dân sống phụ thuộc vào nghề thủy sản, đời sống khó khăn đã được trang bị các kỹ năng và hỗ trợ cơ sở vật chất để cung cấp dịch vụ DLSTCĐ. Qua mô hình, hợp tác xã DLSTCĐ Giao Xuân đã được thành lập, có tư cách pháp nhân chính thức. Đến nay, ước tính mô hình đã tiếp đón khoảng gần 2.000 lượt khách, trong đó phần đông là khách quốc tế. DLSTCĐ giúp giảm áp lực khai thác thủy sản, duy trì cuộc sống khi BĐKH tác động mạnh lên các nghề truyền thống như thủy sản, nông nghiệp.

Mô hình phát triển thủy sản bền vững được hỗ trợ triển khai năm 2008 tại xã Giao Xuân (Giao Thuỷ). Theo đó, một tổ hợp tác tự nguyện được thành lập, phối hợp với các chuyên gia thực hiện việc tư vấn về kĩ thuật, giúp người dân có thể trao đổi, chia sẻ thông tin, hướng tới hoàn thiện các kĩ thuật nuôi, xây dựng nên những mô hình nuôi ngao bền vững. Khảo sát mới đây cho thấy ngao của tổ hợp tác tăng trưởng nhanh hơn các hộ nuôi khác và có khả năng chống chịu được những cú sốc môi trường và BĐKH. Sau gần 4 năm thực hiện, nghề nuôi trồng thủy sản đi vào ổn định, cuộc sống của người dân được cải thiện. Thay vì hoạt động đơn lẻ, tự phát như trước, người dân đã tham gia các hoạt động nuôi trồng thủy sản một cách có tổ chức, phối hợp tạo ra sự đồng bộ và hiệu quả. Ngoài ra, MCD đã hỗ trợ xây dựng thành công thương hiệu Ngao Sạch Giao Thuỷ và hoạt động của hiệp hội nhuyển thể Giao Thuỷ với 200 thành viên.

Theo đánh giá, Nam Định là nơi chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của BĐKH như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Những tác động này đã và đang gây ra nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học và giảm chất lượng cuộc sống vốn đã nhiều khó khăn của cộng đồng dân cư.

Mỹ Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN