Thừa Thiên - Huế: Gần 1.000 ha cao su bị sâu bệnh gây hại

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có gần 1.000 ha cao su bị sâu bệnh gây hại, chủ yếu là các bệnh xì mủ, bệnh loét sọc miệng cạo, bệnh phấn trắng và một số bệnh gây vàng lá khác.

Diện tích bị hại lớn nhất ở các xã Thượng Long, Hương Phú, Hương Hữu, Thượng Lộ, Hương Hòa (huyện Nam Đông) và Phong Mỹ (huyện Phong Điền), có nơi chiếm từ 10 - 20% diện tích cao su đã trồng. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Khai thác mủ cao su ở Nam Đông. Ảnh: baothuathienhue.vn



Thông thường cây cao su phải trồng từ 7 - 10 năm tuổi mới tiến hành khai thác mủ nhưng ở Thừa Thiên - Huế, nhiều người trồng cao su bị tư thương xúi giục đã khai thác mủ cao su non để kiếm lời. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều diện tích cây bị khai thác cạn kiệt, nhiễm bệnh, bởi việc khai thác non và khai thác kiểu tận thu, lấy mủ mỗi ngày khiến cây cao su không đủ sức chống lại sự lây lan của nấm, dẫn đến xuất hiện các loại bệnh nói trên và rụng lá trên diện rộng.


Theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế, đối với bệnh xì mủ cao su, người dân có thể sử dụng Boocđô nồng độ 0,5 - 1% để phun, hạn chế mầm bệnh phát triển. Đối với lô cao su thời kỳ bệnh nặng cần tỉa bỏ cành bệnh, cây bệnh, vệ sinh sạch cỏ, tạo quang thoáng trong lô cao su, chăm sóc bón phân cân đối NPK. Biện pháp phòng trừ bệnh tốt nhất là dùng thuốc Boocđô đặc quét lên thân, cành cây.


Đối với vườn cao su đang khai thác cần chú ý không cạo mủ khi cây còn ướt; vườn cây phải sạch cỏ, thông thoáng; đồng thời thường xuyên làm vệ sinh mặt cạo. Khi bệnh xuất hiện phải lấy dao sắc cạo mô bị bệnh và bôi quét thuốc kịp thời. Cần phát hiện bệnh sớm khi vết bệnh còn nhỏ và nhẹ. Sử dụng thuốc metalaxyl + mancozeb (Ridomil MZ - 72, Mexyl MZ - 72) pha nồng độ 2% trong nước hoặc có thêm chất bám dính.


Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 9.000 ha cao su thì hơn 1/3 diện tích nằm ở huyện Nam Đông, nguồn thu từ mủ cao su đã mang lại từ 45 - 50 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ nhờ trồng cao su thoát nghèo nhanh, phần lớn cho thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng...


Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN