Thủ đô Hà Nội - Hành trình vươn tới tầm vóc mới

Trong hành trình 67 năm xây dựng và phát triển của mình, Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể, trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Và cũng trong 67 năm ấy, nhiều "dấu mốc" lớn đã được Hà Nội ghi lại.

 

Hà Nội đang trên đà đổi mới. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Trong đó, có một dấu ấn được coi là "bước ngoặt" với thủ đô, diễn ra cách đây hơn 4 năm: Việc mở rộng địa giới Hà Nội, giúp cho thủ đô có một thế và lực mới để vươn tới tầm vóc mới...

 

Khẳng định bản lĩnh


Phải khẳng định rằng, từ thời điểm mở rộng địa giới hành chính thủ đô, dù trong hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn giữ được vị trí “đầu tàu” với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2009, sau khi mở rộng địa giới hành chính, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) Hà Nội tăng khoảng 6,67%; tổng thu ngân sách khoảng 70.054 tỷ đồng.

 

Trong những năm tiếp theo, GRDP của Hà Nội vẫn tiếp tục tăng (GRDP năm 2010 và 2011 tương ứng tăng 10,1% và 9,3%). GRDP 6 tháng đầu năm 2012 tăng 7,6%, thấp hơn kế hoạch cả năm và mức tăng cùng kỳ của các năm trước, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 7,6% và cao hơn mức dự kiến của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 69.062 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2011. Xuất khẩu có xu hướng phục hồi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,86 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để Hà Nội tiếp tục xác định mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 là 10 - 10,5%.

 

Chuyển biến rõ nhất, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách chăm lo đời sống dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó phải kể đến sự quan tâm chăm sóc các đối tượng nghèo, khó khăn. Trung bình mỗi năm, Hà Nội có trên 2 vạn hộ thoát nghèo. Thành phố cũng đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ trên 3.700 hộ dân sửa chữa, xây mới nhà ở, không còn hộ dân nào phải sống trong cảnh nhà ở dột nát. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục quan tâm, chăm lo cho giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đến lứa tuổi mầm non. Thủ đô xác định tiếp tục phấn đấu để mỗi phường, xã có từ 1 trường mầm non công lập trở lên. Đặc biệt, tại kỳ họp đầu tháng 7, HĐND thành phố đã quyết định điều chỉnh học phí theo xu hướng giảm, thể hiện rõ sự quan tâm của thành phố đến thế hệ trẻ.

 

Vượt khó vươn lên


Trước tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn chứa đựng những bất ổn, ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta nói chung và thủ đô nói riêng, Hà Nội vẫn có những cơ hội mới để phát triển xứng tầm “đầu tầu” của đất nước. Đó là Nghị quyết số 11 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội phát triển trong tương lai.


Bằng việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, trong đó xác định khâu đột phá là “Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường”, Hà Nội đã tập trung phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới đường giao thông, các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống bến, bãi đỗ xe, hệ thống vận tải hành khách công cộng... với nguyên tắc tập trung, không dàn trải, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn cao. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại.

 

Phát triển hệ thống y tế hoàn chỉnh, tăng năng lực khám chữa bệnh của ngành y tế thủ đô, phấn đấu đến năm 2015 toàn thành phố đạt 20,5 giường bệnh/vạn dân... Với 19 huyện ngoại thành, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái; nông nghiệp dịch vụ gắn với việc bảo vệ cảnh quan môi trường. Hỗ trợ đầu tư, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng tích cực, hiệu quả, bền vững...


Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với những giải pháp cụ thể trên, hy vọng Hà Nội sẽ sớm trở thành một thành phố "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".


Thanh Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN