Thôn Vỹ thời “lên phố”

Với Huế, Vỹ Dạ không chỉ là một phường phố bình thường. Hai tiếng “Vỹ Dạ”, gợi lên biết bao mộng mơ, hoài niệm. Sau một loạt biến động về đất cát, từ làng lên phố, tên đất vẫn còn, nhưng thôn Vỹ khác xưa rất nhiều…

Thời chưa xa

Làng Vỹ Dạ, theo “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An, địa danh do hai chữ Vy Dã đọc trại ra. Về ý nghĩa, “Vy” là lau lách. “Dã” là cánh đồng. “Vy Dã” có nghĩa là cánh đồng lau lách. Lúc mới di cư vào, họ Đinh cùng với 6 họ khác là Hồ, Phan, Nguyễn, Trương, Đỗ, Đoàn bắt đầu khai phá những cánh đồng lau sậy thành lập nên làng Vỹ Dạ trù phú, nên thơ nằm bên dòng sông Hương.

Cầu Vỹ Dạ trên sông Như Ý.

Trước 1975, cư dân Vỹ Dạ có gốc tích từ các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc và TP Huế. Vùng đất của cư dân vạn đò bên Cồn Hến, có một thôn từ dưới Phú Lộc lên, vẫn chịu sự quản lý của huyện Phú Lộc cho đến 1945... Một thời kỳ, Vỹ Dạ thuộc sự quản lý của huyện Phú Vang (cũ). Hiện nay, cư dân mới phần đông từ phía Bắc đến Huế công tác, rồi định cư lâu dài, nhiều nhất là người Quảng Bình, kế đến là Thanh Hóa, Nghệ An…

Từ thành phố xuống, ngõ vào Vỹ Dạ là Đập Đá dùng để ngăn nước mặn từ sông Hương không cho chảy qua sông Như Ý thuộc làng Thọ Lộc làm hại đồng ruộng lúa và cũng để giao thông đường thủy với huyện Phú Vang được dễ dàng. Phía dưới Vỹ Dạ là chợ Gia Lạc. Trước đây, thôn Vỹ phía bờ sông Hương chạy dọc theo con đường Thuận An (cũ), những phủ đệ san sát nhau, những ngôi nhà vườn kín cổng cao tường. Có lối đi xuống bờ sông, những cây cổ thụ sum suê soi mình trên nước. Phía đông là những khu vườn rộng lớn, nhìn ra cánh đồng mênh mông, trải dài đến sông Như Ý, bờ bên kia là xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy.

Thôn Vỹ có nhiều nhà cổ và phủ đệ của các hoàng tử, công chúa, quan lại. Những phủ đệ như phủ Tuy Lý Vương, phủ Dương Phước, nhà ông Vĩnh Cường, Vĩnh Tháp, biệt thự ông Phạm Doãn Điềm… đẹp nổi tiếng. Trong vườn thường trồng nhiều loại cây ăn trái và lấy bóng mát như nhãn lồng, khế ngọt, đào tiên. Thôn Vỹ thu hút nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Tuy Lý Vương, Đạm Phương, Chế Lan Viên, Hữu Ngọc, Điềm Phùng Thị, Nguyễn Khoa Điềm, Bửu Chỉ. Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhớ lại: “Có một thời gian tôi dạy học ở Huế, trường Việt Anh với Chế Lan Viên. Tôi chưa lập gia đình, trọ ở Đập Đá, còn anh Viên thuê nhà cùng vợ con ở thôn Vỹ Dạ, không xa nhà tôi lắm. Mỗi lần sang thăm anh, qua tiếng cành lá lao xao trong nhà vườn, tôi tưởng như nghe vẳng tiếng thơ trong trẻo, tươi mát của Hàn Mặc Tử. Chính quyền Vỹ Dạ nếu cho dựng bảng địa chỉ các văn nghệ sĩ từng sống ở đây thì rất hấp dẫn”. Cách Đập Đá khoảng 1km, cồn Hến nổi lên giữa sông Hương đã nổi tiếng với món ăn dân dã, đặc trưng của xứ Huế là cơm hến và chè bắp.

Nỗi niềm lên phố

Từ ngày cầu Vỹ Dạ bắc qua sông Như Ý, con đường Phạm Văn Đồng nối thành phố Huế với vùng duyên hải phía Đông trong mọi thời tiết, tạo hiệu quả to lớn về dân sinh. Nhưng khi đô thị mới ra đời, nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc làm nghèo đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân. Thôn Vỹ “lên đời” như cô gái quê ra chốn thị thành, chất quê bay đi ít nhiều. Cái được là người dân bây giờ khá giả trông thấy, nhưng tình làng nước không mặn mà nữa. Khó ai muốn giữ lại khu vườn “lá trúc che ngang mặt chữ điền”, khi giá đất là vàng ròng. Cũng không ai “ôm” ngôi nhà cổ mối xông, tiền chống xuống cấp không có, nên phải bán cho người có nhu cầu, để xây lại nhà gạch khang trang.

Đường Hàn Mặc Tử phường Vỹ Dạ.

Vấn đề đầu tiên là đường phố đang quá tải. Giữa sông Hương với sông Như Ý là đường Đập Đá, nối đường Lê Lợi với đường Nguyễn Sinh Cung. Do thiên tai thường xuyên nên xuống cấp nghiêm trọng, lại chật hẹp. Dân số và các loại xe cộ tăng cao, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phải chấn chỉnh công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại QL 49 đoạn từ cầu Vỹ Dạ đến điểm giao nhau với tỉnh lộ 10, nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua.

Khách du lịch đến thôn Vỹ nhiều, dịch vụ du lịch phát triển cấp số nhân, buôn bán lấn chiếm vỉa hè tràn lan. Nhà nghỉ và các tệ nạn xã hội bắt đầu manh nha. Năm trước, Vỹ Dạ nổi tiếng cả nước vì một vụ bắt cóc con tin trong nhà nghỉ gần một đêm. Đây được xem là “cuộc giải cứu con tin ngoạn mục” nhất của quân đội và công an năm 2010. Điều này cho thấy vấn đề an ninh, trật tự trên địa bàn Vỹ Dạ không còn yên bình.

Khu quy hoạch mới Nam Vỹ Dạ thu hút các xí nghiệp, dịch vụ tư nhân đổ đến làm ăn, gây ô nhiễm môi trường. Năm 2010, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại thành phố Huế. Ba phường An Cựu, Xuân Phú, Vỹ Dạ có nhiều khu vực ẩm thấp, vệ sinh môi trường không bảo đảm, tạo điều kiện cho muỗi phát sinh nhiều. Cảnh sát môi trường CA TP Huế phối hợp các đơn vị liên ngành kiểm tra cơ sở chế biến da, mỡ lợn tại nhà chị Nguyễn Thị Hương, tổ 20, khu vực 6, phường Vỹ Dạ, phát hiện mỡ khô, mỡ nước, tóp mỡ, da lợn sấy khô, da chưa chế biến trên sàn nhà, đựng trong các thùng phi sắt đã bị gỉ sét, bốc mùi hôi thối.

Chưa có quy hoạch rõ ràng, Vỹ Dạ bây giờ mạnh ai nấy làm khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà thi đấu thể thao, bệnh viện… Sau Bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ, Sở Y tế Thừa Thiên - Huế cho biết Tổ chức Fred Hollows Foundation (FHF) vừa tài trợ cho Huế để xây dựng Bệnh viện Mắt tại khu quy hoạch Vỹ Dạ 7. Tiếp đó, UBND tỉnh còn cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Kim Nguyễn xây dựng Bệnh viện Ngoại khoa quốc tế Huế tại đây.

Nói về những bất cập, ông Bửu Vi –một nhà giáo gốc Vỹ Dạ cho rằng, đô thị hóa để phát triển du lịch và dịch vụ, nói chung làm kinh tế, được cái lợi trước mắt. Song cái mất đi không thấy, là bản sắc văn hóa ngày càng nghèo nàn. Nếu không gìn giữ, một ngày không xa, Vỹ Dạ sẽ chịu chung số phận như khu phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, không còn gì để cứu vãn.

Phúc Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN