Thịt kém chất lượng vẫn dồn về thành phố

Gần đây, ngày càng nhiều lượng thịt gia súc, gia cầm vận chuyển trái phép từ các địa phương vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ bị phát hiện. Điều đáng nói là đa số lượng thịt này đều kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trong khi đó, công tác quản lý các loại thịt kém chất lượng vào thành phố vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.

Gia tăng thịt kém ATVSTP


Hiện nay, trung bình mỗi tháng TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng hơn 33.000 tấn thịt gia súc và gia cầm. Trong đó lượng sản phẩm động vật từ các tỉnh khác chuyển vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ chiếm khoảng 70 - 80%. Chính vì vậy, TP Hồ Chí Minh luôn được xem là địa phương có khối lượng lớn thịt kém ATVSTP từ các tỉnh đổ về tiêu thụ. Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, nguồn thịt gia súc, gia cầm vận chuyển trái phép từ các địa phương vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ được phát hiện ngày càng nhiều. Chi cục Thú y đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1.920 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1,9 tỷ đồng.


 

Mỗi ngày đều phát hiện thịt kém ATVSTP vào thành phố.

 

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết: Gần như mỗi ngày, tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông đều phát hiện các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép, không có dấu kiểm soát giết mổ, không giấy chứng nhận kiểm dịch của thú y, trốn tránh kiểm dịch. Đa số nguồn thịt này được vận chuyển từ miền Đông, miền Trung vào TP Hồ Chí Minh bằng xe khách, xe máy, xe tải. Đơn cử như vào đầụ tháng 5, trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã bắt giữ một lô hàng “thịt thối” được cho là lớn nhất từ đầu năm đến nay. Cụ thể, ngày 9/5/2012 xe đông lạnh biển kiểm soát 15C - 02489 do ông Trần Văn Chính, SN 1983, ngụ tại Xuân Trường, Nam Định là tài xế, vận chuyển 13.790 kg sản phẩm động vật gồm 10.514 kg chân gà đông lạnh (đựng trong các thùng giấy, bên trong có bọc ni lông) và 3.276 kg vú heo (đựng trong 46 thùng xốp) không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Toàn bộ lô hàng vú heo đã biến chất, bốc mùi hôi, một số thùng có dòi.


Bên cạnh thịt động vật kém ATVSTP vẫn tiếp tục được đưa về thành phố tiêu thụ với nhiều hình thức khác nhau, đến nay tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 83 điểm kinh doanh gia cầm sống và 60 điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm trái phép.

 

Khó kiểm soát


Trước tình trạng nhiều lô hàng thịt thối bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguồn gốc, đường dây mua bán, tiêu thụ các lô hàng thịt không đảm bảo ATVSTP trước ngày 30/5.


Ông Phan Xuân Thảo cho biết: Trên thực tế, nguồn heo bệnh, chết và gà, vịt không kiểm dịch tuồn vào thành phố qua nhiều tuyến đường tắt mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, một số phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật trái phép vẫn cố tình vượt trạm kiểm dịch hoặc che đậy tinh vi, có hành vi chống đối người thi hành công vụ khi bị kiểm tra. Thông thường các đối tượng này đối phó bằng cách cho người theo dõi quy luật, hoạt động của lực lượng kiểm tra để chờ những lúc sơ hở sẽ cho vượt trạm, vận chuyển hàng vào ban đêm hoặc né trạm kiểm dịch động vật bằng cách cho xe đi vòng qua các tuyến đường khác, hoặc địa điểm giao hàng tại các địa phương giáp ranh như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An... để tránh trạm ở TP Hồ Chí Minh.


Hiện tại các quận, huyện, lực lượng cán bộ thú y đang thường xuyên kiểm tra hàng ngày tại các nhà hàng, quán ăn, các chợ, các điểm kinh doanh sản phẩm động vật..., nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt hoặc xử lý tùy trường hợp. Tuy nhiên nếu chỉ riêng lực lượng thú y thì không thể giải quyết được tất cả các trường hợp, mà cần phải có sự phối hợp của các ban, ngành địa phương cùng tham gia thực hiện thì mới đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý vi phạm. Như vậy mới giảm được nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan cho đàn gia súc, gia cầm trong thành phố. Đặc biệt là hạn chế được tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng các sản phẩm thịt không bảo đảm chất lượng vệ sinh thú ý...


Thời gian gần đây dư luận cũng lo lắng các vấn đề về ATVSTP khi phát hiện hàng loạt vụ thịt thối, thịt có dư lượng chất cấm, hay có thuốc tăng trọng, kích nạc trong thịt, rau, cá... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ngăn chặn kịp thời thực phẩm không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng, Chi cục ATVSTP đã triển khai lấy mẫu (nội tạng và thịt heo) kiểm tra tồn dư các chất thuộc nhóm Beta - agonist (Salbutamol và Clenbuterol), kết quả cho thấy không phát hiện các chất Salbutamol và Clenbuterol trong 24 mẫu thịt heo và nội tạng heo... Trong thời gian tới, Chi cục ATVSTP sẽ tiếp tục có kế hoạch giám sát sự tồn dư của các chất này trong sản phẩm thịt và phụ phẩm trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết chất dùng để tẩy thịt ôi thiu thành thịt tươi mới mà dư luận lo ngại thời gian qua cũng đang được Cục Bảo vệ thực vật lấy mẫu bột để phân tích xác định thành phần hóa học và khả năng gây hại.


Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN