Thiếu nước sạch, người dân Kon Tum đổ bệnh đường ruột

Hàng chục người dân ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) bị bệnh đường ruột (tiêu chảy) trong vòng một tháng qua, nguyên nhân chính là do khô hạn, phải dùng nước sông suối không hợp vệ sinh.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Sáng 21/3, trong lúc chính quyền huyện Sa Thầy vẫn đang tiến hành khảo sát để tìm nguồn cung cấp nước sạch thì tại Bệnh xá quân dân y kết hợp khu vực Mô Rai liên tục xuất hiện các bệnh nhân được đưa vào khám, điều trị tiêu chảy. Trong buổi sáng cùng ngày, sau khi một bệnh nhi được điều trị ban đầu, cho về nhà, thì bệnh xá lại tiếp nhận thêm 3 ca khác thuộc các đội sản xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 78 (Binh đoàn 15) vào khám vào điều trị. 

Tất cả đều có triệu chứng về đường ruột. Theo anh Nguyễn Văn Dân, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, bố của một bệnh nhân được điều trị tại bệnh xá cho biết: Bé bị tăng nhiệt độ, nóng bất thường, bắt đầu đi ngoài phân lỏng. Bác sỹ chẩn đoán cháu bị sốt và tiêu chảy.

Theo thống kê, hơn một tháng qua, bệnh xá đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 50 trường hợp bị bệnh tiêu chảy, trong đó riêng từ ngày 5/3 đến nay đã có tới 32 bệnh nhân. Làng Le là địa bàn “nóng” nhất, nơi đây có nhiều giếng cạn nước, nhiều bệnh nhân bị bệnh đường ruột. Lo lắng khi cả nhà có đến 4 người bị bệnh, già A Dói cho biết: Thời gian qua ở trong làng Le có nhiều trẻ con bị đau bụng, ỉa chảy do giếng nước trong dân cạn, người dân dùng nước suối để sinh hoạt.

Theo y sỹ Bùi Thị Hoan: Năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài, dịch bệnh ở các làng diễn biến phức tạp hơn mọi năm, nhất là các bệnh liên quan đến đường ruột. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống không đảm bảo, nước dùng thiếu, người dân phải dùng nước sông, nước suối nhiều nên ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá.

Con sông Sa Thầy, nguồn cung cấp nước chính cho người dân bị hạn ở khu vực Mô Rai những ngày qua là “điểm hẹn” của người và gia súc ra chống nắng. Dưới lòng sông, suối cả người và heo, bò cùng tắm gây nên tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng. Mặc dù người dân đã đào các hố nhỏ ở dọc bờ sông để hứng nước từ lòng đất chảy ra; tuy nhiên, trên bờ, tình trạng mất vệ sinh diễn ra không kém phần nghiêm trọng dưới sông.

“Mặc dù chính quyền đã khảo sát và khuyến cáo dân không được dùng nước suối, đào giếng cạnh suối vì không đảm bảo vệ sinh nhưng do nắng hạn, nước giếng khô cạn nên dân phải dùng nước suối, đào giếng bên cạnh suối. Chính quyền nên nghiên cứu làm sao để dân có nước sạch, ngăn chặn bệnh ỉa chảy” - già làng A Dói kiến nghị.

Mặc dù sự việc xảy ra cả tháng vừa qua, chính quyền huyện Sa Thầy đã đến tìm hiểu, khảo sát nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo chị Tống Thị Nghĩa - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, bên cạnh việc chỉ đạo Trung tâm y tế huyện lên xã, cấp thuốc khử trùng cho nước cho dân, huyện cũng đã có giải pháp đặt các téc nước miễn phí để phục vụ khẩn cấp cho bà con ở những vùng thiếu nước. Riêng các vùng ở xã Mô Rai sẽ đặt 3 đến 4 téc.

Trong lúc chờ các giải pháp trên đi vào thực tế, người dân Mô Rai vẫn phải sống nhờ vào nguồn nước không đảm bảo vệ sinh từ sông Sa Thầy.

Bài, ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)
Công điện về chống nắng nóng, hạn hán ở Tây Nguyên
Công điện về chống nắng nóng, hạn hán ở Tây Nguyên

Lượng nước trữ tại các hồ chứa khu vực Tây Nguyên ở mức rất thấp, hạn hán, thiếu nước xảy ra gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh trong vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN