Thiếu nước ngọt vì sông ngòi ô nhiễm

Hàng ngày các con sông tại Việt Nam phải tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải công nghiệp, nguồn nước bị ô nhiễm và suy thoái trầm trọng, bãi bồi bị chiếm dụng làm biệt thự... đó là thực trạng của các dòng sông tại Việt Nam hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu các dòng sông tiếp tục bị tàn phá như hiện nay, thì nguy cơ khoảng 30 triệu người dân đô thị sẽ bị thiếu nước ngọt trầm trọng.

Thiếu nước sạch ngày càng nghiêm trọng

Cuộc sống của những người dân bên bờ sông Nhuệ - Đáy đang đứng trước nhiều khó khăn do thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất. Tại xã Văn Hoàng thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một địa phương bên dòng sông Nhuệ, ông Dương Văn Ngác, một người dân tại đây cho biết, trước đây, người dân chỉ cần khoan giếng ở độ sâu từ 10 - 20 m là có nước, giờ giếng phải khoan sâu trên 40 m. Ở xã, nhà nào có điều kiện thì mua máy lọc nước. Trước đây, thông thường nửa năm mới thay củ lọc nước, nhưng hiện nay được hai tháng củ lọc nước đã đen quánh và phải thay mới hoặc tháo rửa sạch.

Công nhân vớt rác tại sông Tô Lịch đoạn chảy qua quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hệ thống sông Mê Công, chiếm 61% lượng nước ngọt cả nước, nhưng người dân ở đây đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Nhiều người dân tại nhiều tỉnh phải mua nước với giá từ 70.000 đến 100.000 đồng/m3 để sinh hoạt hàng ngày. Sản xuất nông nghiệp tại các khu vực từ miền Trung cho đến Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang chịu khô hạn bất thường, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp dẫn đến hàng ngàn héc ta cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước tưới.

Tương tự, dòng sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ cũng bị xâm hại. GS Đào Trọng Tứ, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, đoạn sông Hồng chảy qua trung tâm Hà Nội có chiều dài khoảng 40 km, từ xã Thượng Cát (Từ Liêm) đến hết địa bàn Vạn Phúc (Thanh Trì) đang có những thay đổi theo chiều hướng xấu do người dân ven sông đổ rác thải, chất thải, xây dựng nhà lấn chiếm. Bãi bồi ven sông bị chiếm dụng làm sân bóng, trang trại, khu sinh thái... Đặc biệt, việc khai thác cát lòng sông thiếu kiểm soát cũng làm biến dạng lòng sông khá nặng nề, gây nguy cơ mất an toàn đê điều, ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan dòng sông...

Theo thống kê, hiện nay nước sông cung cấp nước sinh hoạt cho 42 tỉnh, thành trên cả nước, lượng nước sinh hoạt lấy từ sông khoảng 2 triệu m3/ngày đêm, chiếm khoảng 60% tổng lượng nước cấp đô thị hiện tại. Sông cũng là nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp, tưới tiêu (ước tính khoảng 8,8 tỷ m3/năm) và nuôi trồng thủy sản trên cả nước.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu 10 năm về thực trạng sông ngòi Việt Nam (2005 - 2015) của Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nước ta có nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng, do hệ thống sông ngòi khá dày đặc nhưng phân bố không đồng đều. Bà Trần Thị Lệ Anh, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường đánh giá, với tốc độ phát triển kinh tế trong 2 thập kỷ qua, nguồn nước và chất lượng nước sông ngòi đang bị suy giảm nhanh chóng. Năm 2010, theo ước tính hàng ngày các con sông phải tiếp nhận khoảng 1,1 triệu m3 nước thải công nghiệp và sẽ tăng lên 2,4 triệu m3/ngày đêm vào năm 2020.

Cùng với đó, mực nước và chế độ thủy văn cũng có sự thay đổi bất thường về cả mùa mưa lũ và mùa khô. Nguyên nhân một phần do thượng nguồn đã bị chặn xây thủy điện, và rừng đã bị chặt phá nhiều... dẫn đến nguy cơ thiếu nước và gây sức ép lớn tới vấn đề sinh kế, nguồn nước sạch của các cộng đồng sống ven sông.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu các dòng sông tiếp tục bị tàn phá như hiện nay, thì nguy cơ khoảng 30 triệu người dân đô thị sẽ bị thiếu nước ngọt trầm trọng.

Quản lý hiệu quả nguồn nước

Theo đánh giá của các chuyên gia, để đối phó tình trạng thiếu nước ngọt thời điểm hiện tại và tương lai là phải tăng cường quản lý hiệu quả nguồn nước tại các dòng sông. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý các lưu vực sông vẫn chưa hiệu quả. Bà Trần Thị Lệ Anh cho biết, tuy vai trò chủ đạo quản lý tài nguyên nước và môi trường nước trên lưu vực sông đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đầu mối khai thác, sử dụng lại thuộc rất nhiều cơ quan chủ quản khác nhau, trong khi đó, các đơn vị này chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất.

Cùng đó, mỗi bộ, ngành lại có chính sách và hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh riêng nên khó phân định trách nhiệm, thẩm quyền rõ ràng, không quy định trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành. Bởi vậy khi có vấn đề xảy ra, rất khó tìm được đầu mối chịu trách nhiệm quản lý.

“Hiện đã có ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông nhưng thành viên ủy ban là các lãnh đạo bộ, ngành địa phương hoạt động kiêm nhiệm. Ngoài ra, các ủy ban không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước nên các quyết định không mang tính pháp lý gây khó khăn trong quản lý”, bà Trần Thị Lệ Anh nhấn mạnh.

Do đó, việc tăng cường vai trò và trách nhiệm cho ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông là rất cần thiết. Đặc biệt, cần phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành và chính sách đặc thù cho quản lý sông, ngòi.

TS Đào Trọng Tứ cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước theo lưu vực sông, giúp quản lý tổng hợp tài nguyên nước hiệu quả. Cơ sở dữ liệu này có thể gồm: đánh giá thực trạng khai thác và sử dụng nước; đánh giá khối lượng nguồn nước, dự báo khả năng biến động; xác định nhu cầu và nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động kinh tế - xã hội... nhằm phân bổ, kiểm soát việc khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Cùng với đó, việc tăng cường nhận thức bảo vệ môi trường sông cho cộng đồng dân cư là vô cùng cần thiết.
Thu Trang - Việt Hoàng
Hà Nội chuẩn bị xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng
Hà Nội chuẩn bị xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng

Tại buổi Giao ban thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 27/10, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đã thông báo sự cần thiết đầu tư, nội dung cũng như lộ trình thực hiện dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN