Thị trường lao động cuối năm:“Cầu” nhiều lao động phổ thông

Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm cuối năm thì tại các doanh nghiệp (DN) may mặc, giày da... trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại khan hiếm lao động phổ thông. Điều này một phần do nhiều doanh nghiệp gấp rút hoàn thành đơn đặt hàng xuất khẩu cuối năm, một phần do một số lao động “nhảy việc”.

Dịp cuối năm, nhiều DN phải đối mặt với khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông.

Theo khảo sát của trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm, trên địa bàn thành phố có khoảng 75.000 chỗ làm việc trống và khoảng 20.000 nhu cầu lao động thời vụ. Trong số này, nhu cầu về lao động phổ thông là 40%, trình độ đại học, cao đẳng là 30%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp là 30%.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thời gian qua, thành phố thường xuyên biến động về cung - cầu lao động, nguyên nhân chủ yếu từ chỉ số giá cả tăng, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập. Nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng không ổn định về lao động nên liên tục tuyển dụng lao động. Cụ thể, trong lĩnh vực may mặc, giày da, chỉ số tuyển dụng 9 tháng đầu năm 2011 chiếm hơn 16%, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2010. Dự báo, những tháng cuối năm, chỉ số này sẽ còn tăng vì đây là thời điểm nhiều DN mở rộng sản xuất để hoàn thành những đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Thực tế cho thấy, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) tại thành phố như KCN Tân Bình (Tân Bình), KCX Linh Trung - Thủ Đức (Thủ Đức), KCX Tân Thuận (quận 7)... đi đâu cũng gặp những băng rôn tuyển dụng lao động với số lượng lớn kèm theo nhiều chế độ ưu đãi như hưởng các chế độ BHXH, BHYT, có bữa ăn giữa ca, nhà lưu trú, thanh toán tiền tàu xe đi lại, có phụ cấp nhà trọ... nhưng đa số DN đều khó tuyển đủ chỉ tiêu như Công ty May mặc Huỳnh Gia, Công ty May mặc Kollan & Hogo Knit, Công ty TNHH găng tay Toàn Mỹ, Công ty Nidec Copa...

Ông Bùi Thanh Ngọc, chuyên viên Trung tâm giới thiệu việc làm khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho rằng: Các DN may mặc, da giày cuối năm thường gặp không ít khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động phổ thông vì những ngành này hiện nay không được “chuộng” như ngày xưa.

Còn ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết: Dịp cuối năm, đa số các công ty đều không tuyển đủ số lao động theo yêu cầu vì mức lương DN trả thấp, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu tăng, khiến đời sống của người lao động, nhất là những người phải thuê trọ gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, dù đã tuyển được người nhưng lực lượng lao động luôn dịch chuyển khi có công ty khác trả lương cao hơn từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng. Trong khi đó, hiện có trên 253.000 lao động đang làm việc tại các KCN - KCX nhưng từ đầu năm đến nay đã có hơn 30.000 lao động “nhảy việc”. Vì vậy, trong thời gian sắp tới DN nên tập trung chăm lo tốt đời sống cho người lao động bằng những việc làm cụ thể: Hỗ trợ vé tàu xe về quê ăn Tết, tổ chức các đợt bán hàng bình ổn tới tận các KCN - KCX trong TP, tăng mức thưởng Tết... để giữ chân người lao động.

Để giải quyết tình trạng khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân lao động trong các DN, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng: Các DN cần duy trì chính sách tiền lương, tiền công tốt để tạo tiền đề ổn định nguồn nhân lực. Để giữ chân lao động làm việc lâu dài trong DN, các DN cũng cần tổ chức lại sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao tay nghề cho người lao động để nâng cao năng suất lao động.

Mặt khác, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, bản thân người lao động cũng phải nhìn lại mình để tránh tình trạng khi DN “siết chặt” kỷ luật là khó chịu và “nhảy việc”.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN