Thí điểm mô hình nông thôn mới(Bài 3)

Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn. Đây cũng là vấn đề trăn trở của nhiều xã trong suốt hơn một năm qua.


Bài 3: Giải quyết bài toán thu nhập


Cánh đồng U60 - U70

Sau hơn một năm xây dựng NTM, hầu hết các xã vẫn “loay hoay” chưa biết làm thế nào để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ để tăng mức thu nhập bình quân của người dân lên 1,5 lần so với các xã khác trong vùng theo tiêu chí của NTM. Vào những ngày cuối năm Canh Dần, chúng tôi đã tới xã Tân Phong (huyện Vũ Thư, Thái Bình) để tìm hiểu về việc dồn điền, đổi thửa và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Người dân xã Tân Phong (Thái Bình) tự nguyện phá bỏ bờ vùng, bờ thửa để chia lại ruộng đất. Ảnh: Tôn Vinh


Trong cái nắng hiếm hoi của buổi sáng mùa đông, hầu hết người dân trong làng đã đổ ra đồng từ sớm để phá bỏ các bờ mương, bờ rạch nhà mình để tiến hành dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao sản lượng. Có một điều “lạ mà quen” là hầu hết những người này đã bước sang tuổi “ngũ tuần, lục tuần”.

Vừa cuốc xong đoạn mương nhà mình, ông Lê Văn Tám, thôn Ô Mễ 2, xã Tân Phong, cho chúng tôi biết: “Làm ruộng bây giờ chỉ toàn ông bà già lứa U60, U70. Thanh niên và người trung tuổi hầu như đã đi làm xa”.

Đây có lẽ là hiện tượng không hiếm ở hầu hết các làng quê ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Đa số những người trẻ có trình độ thì đi học rồi ở lại thành phố làm việc, còn những người không học được thì đi lao động thuê, thấp nhất cũng được 2 - 3 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ trông vào mảnh ruộng thì chắc chắn không đủ ăn.

Hơn nữa, làm ruộng còn bấp bênh vì dịch bệnh, giá cả các loại vật tư đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... ngày càng tăng. “Ngay cả vùng quê lúa như Thái Bình thì việc người dân bỏ ruộng, cho thuê lại ruộng cũng không hiếm. Việc dồn điền, đổi thửa, đưa máy móc vào sản xuất chủ yếu để làm giảm sức lao động”, bà Nguyễn Thị Thuần, thôn Ô Mễ 2 cho biết.

Do vậy, để tăng thu nhập cho người dân ngay tại địa phương vẫn là bài học hóc búa đối với các xã. Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Bí thư Huyện ủy huyện Vũ Thư, dồn điền, đổi thửa là để các doanh nghiệp vào đấu thầu, đưa máy móc vào đồng ruộng dần dần hình thành doanh nghiệp nông nghiệp để đẩy cao năng suất. Ví dụ, người dân có thể cho thuê ruộng trong 5 năm, hàng năm doanh nghiệp trả tiền thuê cho người dân, người dân ăn chắc khoản này. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thuê lại người nông dân làm ruộng nếu họ có nhu cầu, dần hình thành vùng sản xuất.

Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương và giải quyết lao động lúc nông nhàn vẫn cần tạo ra các ngành nghề phụ, các ngành nghề truyền thống. Ông Thành cho rằng, làng nghề giải quyết rất tốt việc làm cho người nông dân. Khi thu nhập của người dân được nâng lên thì sẽ tính tới chuyện nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng đường làng, ngõ xóm, cảnh quan trong thôn xóm. Nếu cùng một lúc mà bắt người dân đóng góp nhiều thì họ không thể chịu nổi.

“Nói gì thì nói, người nông dân cứ phải ấm bụng đã, khi hai ba vụ được mùa thì mới tính tới chuyện đóng góp, khi mình chăm lo cho họ, đời sống khá lên thì người dân mới tin, khi người ta tin thì việc đóng góp để xây dựng NTM không khó”, ông Bí thư chia sẻ.

Xuất khẩu lao động trẻ nuôi lao động già

Không chỉ riêng các xã thuần nông, ngay cả những xã ven đô, có nhiều khu công nghiệp, người dân vẫn phải đi khắp nơi làm thuê, kiếm sống để tăng thêm thu nhập. Dường như mảnh đất quê hương chưa đủ điều kiện để họ sống trong thời buổi giá cả tăng “chóng mặt”.

Xã ven đô như Thi Sơn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) cũng gặp “bài toán” tương tự. Xã đã tiến hành dồn ruộng từ năm 2000, hiện bình quân mỗi hộ chỉ có 2 thửa ruộng nhưng tính đến năm 2010, thu nhập bình quân cũng chỉ 11,5 triệu đồng/người, tương đương với những xã khác. Trong đó, thu nhập từ nông nghiệp chỉ đạt 30% tổng thu nhập của người dân, tương đương 3,5 - 4 triệu đồng/năm. Như vậy, thu nhập từ nông nghiệp một tháng không quá 500.000 đồng/người (vẫn cận nghèo theo tiêu chí mới).

“Làm nông nghiệp sau khi trừ hết chi phí chỉ còn 30 - 40% lãi so với số tiền bỏ ra, mà thời gian lại dài. Nếu chỉ trông chờ vào mảnh ruộng làm nông nghiệp không thể sống được, phải đi làm thêm nghề phụ”, Chủ tịch xã Thi Sơn, Đinh Quang Thăng, chia sẻ.

Do vậy, nhiều người đã bỏ ruộng đi làm thuê xa, đặc biệt là đi xuất khẩu lao động. Hàng năm xã có khoảng 40 - 50 người đi xuất khẩu lao động, điển hình là xóm 12 có hơn 30 người làm việc ở nước ngoài. Có gia đình tới 3 người đi lao động ở nước ngoài. “Nhà tôi có 3 con đi nước ngoài, con gái đi Hàn Quốc, con dâu đi Nhật”, ông Nguyễn Duy Bảng, xóm 12, xã Thi Sơn cho biết.

Xã Thi Sơn chưa thống kê được chính xác thu nhập bình quân của những người đi lao động xuất khẩu nhưng “hầu hết khi về họ đều có thể tự xây dựng được nhà cửa khang trang và đóng góp vào việc xây dựng đường sá, nhà văn hóa tại địa phương”, ông Chủ tịch xã nói.

Thực tế, xã Thi Sơn cũng có nhà máy nhưng thanh niên thích đi xuất khẩu lao động vì có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, đa số các nhà máy dệt, may... trả lương thấp nên lao động hay nhảy việc, bỏ việc. Cũng vì lương thấp nên nhiều người không muốn đi làm ở các nhà máy. Do vậy, xã vẫn còn lực lượng lao động dôi dư. Xã đang xin mở rộng thêm các khu công nghiệp, cố gắng trong 2 năm tới có thể thu hút thêm khoảng 10 - 12 doanh nghiệp mạnh về địa phương, tạo điều kiện làm thêm cho người dân.

“Muốn giữ chân được lực lượng lao động trẻ ở địa phương thì cần phải tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho họ. Có như vậy mới giữ chân được những lao động trẻ ở địa phương”, Chủ tịch xã Thi Sơn chia sẻ.

PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỉnh Hà Nam có nhiều trường đào tạo nghề như: Trung cấp nghề đào tạo nghề gỗ, đào tạo cơ khí, điện, hàn... nhưng bất cập ở chỗ đào tạo ra không có chỗ sử dụng hoặc không trả lương tương xứng cho họ.

“Vướng mắc là ở chỗ, hiện doanh nghiệp quá yếu, họ cần lao động nhưng lương họ trả cho người lao động quá thấp, ví dụ công nhân may chỉ được trả hơn 1 triệu đồng/tháng mà thời gian làm việc từ 8 giờ sáng tới 6 giờ tối. Do vậy, người dân không muốn làm”, ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chừng nào nông thôn không giữ được lực lượng lao động trẻ thì chừng đó chưa thể xây dựng NTM bền vững. Đây chính là lực lượng chủ chốt để xây dựng NTM.

Viết Tôn - Hữu Vinh

Bài 4: Đưa nhà máy về làng

Thí điểm mô hình nông thôn mới(Bài 2)
Thí điểm mô hình nông thôn mới(Bài 2)

Xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là xây dựng đường mới, nhà mới mà thực sự phải nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đối với đa số các xã thuần nông, không có nghề phụ, không có điều kiện đổi đất lấy hạ tầng thì việc xây dựng NTM thực sự gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN