Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ

Hôm qua (20/7), Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW - Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và các bộ, ngành liên quan chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa lũ gây ra. Các tỉnh, thành phố cần theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, triển khai các phương án chống lũ, tuần tra cảnh giác theo cấp báo động.

 

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW, thống kê thiệt hại đến sáng 20/7 cho thấy, bão số 2 đã làm 4 người chết, 2 người mất tích; 145 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng.

 

Ngoài ra, bão số 2 còn làm 136 nhà bị tốc mái (trong đó Quảng Ninh có 114 nhà); 9 ngôi nhà khác ở Quảng Ninh bị sập. Mưa lớn cũng làm 836 m3 đường giao thông bị sạt lở; 300 cây xanh ở Quảng Ninh bị đổ, gãy.

 

Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 2, các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to; mưa tập trung vào ngày 19/7, lượng mưa phổ biến dưới 150 mm. Một số địa bàn có lượng mưa lớn hơn như Bắc Quang (Hà Giang) với 224 mm, Đại Từ (Thái Nguyên) với 213 mm, Cẩm Đàn (Bắc Giang) với 316 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) với 513 mm... Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 6 m, ở hạ lưu từ 2 đến 4 m. Trong đợt lũ này, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng lên mức báo động 1. Mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2, hạ lưu tại Phả Lại có khả năng lên trên mức báo động 1; sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên 5,5 m, còn dưới mức báo động 1. Các sông nhỏ vùng núi phía Bắc và Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3. Mực nước trên sông Kỳ Cùng và sông Lục Nam tiếp tục lên nhanh trong ngày hôm nay (21/7).

 

Các hồ chứa ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh đều đã được bổ sung nước. Tuy nhiên, dung tích nhiều hồ vẫn ở mức trung bình 70 - 80% dung tích thiết kế. Chỉ có một số hồ nhỏ như: Bàu Lầy, Đá Mài, Hàm Rồng, Khe Chão, Khe Đặng, Khe Sàng, Lòng Thuyền, Trại Muối (Bắc Giang); Ngòi Vần (Phú Thọ), Vinh Thanh (Vĩnh Phúc) đã đầy nước. Riêng tại Quảng Ninh, mặc dù có mưa lớn nhưng do được chủ động điều tiết nên các hồ lớn có mực nước thấp. Các hồ đang xả điều tiết như: Đầm Hà Động xả 20 m3/s, Chúc Bài Sơn xả 20 m3/s. Hiện nay chưa có báo cáo thiệt hại nào về công trình thủy lợi và tình hình mất an toàn hồ chứa của các địa phương. Các hệ thống thủy lợi vẫn đang tiếp tục tiêu úng và sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.


Huyền Tím

Miền núi phía bắc thiệt hại nặng vì mưa lũ
Miền núi phía bắc thiệt hại nặng vì mưa lũ

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, mưa lũ đã xuất hiện, gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong hai ngày cuối tuần. Thống kê sơ bộ đến 20 giờ ngày 20/7, đã có 12 người chết và mất tích, 4 người bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN