Tháo gỡ vướng mắc về bảo hiểm xã hội

"Tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), hướng dẫn doanh nghiệp (DN) triển khai các chính sách BHXH cho người lao động". Đó là những vấn đề được DN đặt ra tại hội nghị đối thoại giữa DN và chính quyền thành phố do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư thành phố phối hợp với BHXH thành phố tổ chức vào ngày 6/10.

Các doanh nghiệp có nhiều thắc mắc cần BHXH giải đáp liên quan đến các chính sách BHXH cho người lao động.

Liên quan đến vướng mắc trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nước ngoài của Công ty TNHH Pemara Labels Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, theo khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012, quy định: “Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định”. Theo đó, công ty nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện.


Đại diện Công ty PC Việt Nam Limited cũng đặt câu hỏi, người lao động tham gia trong quân đội là hạ sĩ quan (trung sỹ) đã được chốt sổ và ghi nhận tham gia BHXH trong suốt 3 năm từ tháng 2/1985 đến tháng 2/1988 vậy người lao động nghỉ hưu mức tính phụ cấp/hệ số lương hưu theo hệ số lương nào?


Trả lời câu hỏi này, một đại diện BHXH thành phố cho rằng, trường hợp hạ sỹ quan có 3 năm trong lực lượng vũ trang. Thời gian này được tính là thời gian tham gia BHXH. Quy định được tính phụ cấp thâm nâm niên nghề trong lực lượng vũ trang quy định là 5 năm (60 tháng).Từ tháng 61 trở đi được tính 5% phụ cấp thâm niên nghề. Do vậy, trường hợp này không được tính phụ cấp thâm niên nghề vào lương khi nghỉ hưu.


Có mặt tại buổi đối thoại, công ty TNHH MTV xây lắp điện 1 Miền Nam cũng có thắc mắc như sau: “Người lao động làm việc tại công ty nhưng không muốn gắn bó lâu dài họ chỉ làm một thời gian nhất định (khoảng vài tháng) thì xin nghỉ, sau đó lại xin làm lại, trong trường hợp này Công ty có thể trả tiền BHXH, BHYT, BHTN trong lương của người lao động mà không đóng BHXH, BHYT, BHTN có được không?”.


Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thanh, Trưởng phòng Quản lý Thu (BHXH TP) cho biết, Căn cứ theo luật BHXH, trường hợp Công ty ký hợp đồng với người lao động từ 3 tháng trở lên thì phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Mức lương làm căn cứ đóng BHXH không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng. Việc thoả thuận trả vào lương, không tham gia BHXH bắt buộc là trái với quy định pháp luật.


Mặt khác, nhằm hạn chế tình trạng người lao động hàng tháng đều bị công ty trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng khi nghỉ việc vẫn không được chốt sổ BHXH, không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp nợ tiền BHXH, ông Nguyễn Quốc Thanh, Trưởng phòng Quản lý Thu (BHXH TP.HCM) cho biết, cơ quan BHXH thành phố đã có yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện thông báo công khai 6 tháng/lần về tình trạng đóng BHXH, bảo hiểm y tế… cho người lao động biết. Người lao động cũng có quyền khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại về các chế độ BHXH liên quan đến trợ cấp thai sản, trợ cấp thất nghiệp.

Hoàng Tuyết
Hiệu quả tuyên truyền về bảo hiểm xã hội
Hiệu quả tuyên truyền về bảo hiểm xã hội

Đến nay, tại tỉnh Sơn La đã có gần 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (đạt 90,6% dân số). Kết quả này có sự đóng góp tích cực từ công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với nhân dân các dân tộc toàn tỉnh, đặc biệt là các xã vùng biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN