Tháo gỡ bất cập trong chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Nhằm giảm thiểu rủi ro cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 315/QĐ - TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai, nông dân vẫn không “mặn mà” tham gia BHNN.

 

Đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp còn hạn hẹp

 

Chính sách BHNN bắt đầu thực hiện từ thí điểm 1/7/2011. Nhưng đến nay, việc chỉ có một số ít địa phương tham gia với đối tượng chủ yếu là các hộ nghèo cho thấy nhiều quy định của BHNN còn chưa phù hợp.

 

Bảo hiểm nông nghiệp chỉ hút hộ nghèo


Chính sách BHNN được triển khai nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Theo Quyết định 315/QĐ - TTg, hộ nông dân nghèo được hỗ trợ 100% phí BHNN, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% phí và các hộ không thuộc 2 diện trên được hỗ trợ 60%, còn các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20%.


 

Phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại cho một hộ chăn nuôi lợn tại xã Bình Dương, huyện Đông Triều (Quảng Ninh).

Mặc dù, tất cả các đối tượng tham gia BHNN đều được hỗ trợ nhưng thực tế chỉ có lượng nhỏ người dân tham gia và chủ yếu là người nghèo. Vĩnh Phúc là một trong 21 tỉnh được chọn thí điểm thực hiện BHNN. Theo ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này, tính đến 31/5/2012, BHNN đã được triển khai ở 9 xã của 3 huyện Tam Dương, Lập Thạch và Vĩnh Tường. Tuy nhiên, trong số 991 hộ nông dân tham gia BHNN thì có tới 909 hộ nghèo và cận nghèo. Các đối tượng không thuộc diện nghèo và cận nghèo tham gia rất ít, chỉ thu được mức phí là 12,6 triệu đồng trong tổng số 1,7 tỷ đồng phí BHNN toàn tỉnh.


Theo Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai chính sách BHNN, tính đến thời điểm này, đã có 4/7 tỉnh triển khai BHNN trên cây lúa là Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình và An Giang. Trong đó, riêng Nghệ An đã thu hút được khoảng 22.000 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo tham gia với mức phí đóng bảo hiểm khoảng 8 tỷ đồng. Cùng với đó, BHNN đối với vật nuôi, đã có 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Đồng Nai triển khai có hợp đồng bảo hiểm với nông dân. Với thủy sản, có 2 tỉnh là Sóc Trăng và Bạc Liêu đã triển khai.


Về vấn đề này, theo ông Lê Đức Thịnh (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), sở dĩ doanh nghiệp bảo hiểm tích cực bán BHNN cho người nghèo vì người nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% đóng BHNN nên doanh nghiệp không mất công đi thu phí bảo hiểm của từng hộ dân. Còn nếu mở rộng đối tượng khách hàng thì các doanh nghiệp ngại chi phí triển khai như: rà soát ký hợp đồng, xác định rủi ro... sẽ tăng lên.

 

Quy định “làm khó” nông dân


Một số địa phương phản ánh, quy định BHNN còn nhiều điểm khắt khe với người tham gia. Ông Trương Quang Thắng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) Vĩnh Phúc cho rằng, quy định trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ muốn được hưởng BHNN thì số vật nuôi bị rủi ro toàn xã phải đạt 10% số vật nuôi là không hợp lý và gây thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm. Đây cũng là quan điểm của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai. Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở, bệnh lở mồm long móng trên gia súc nhiều năm nay ở tỉnh đã được tiêm phòng quy củ và không xảy ra tình trạng phải tiêu hủy tới 10% tổng đàn trong xã. Nếu theo quy định thì những trường hợp này sẽ không được hưởng BHNN. Đây là thiệt thòi lớn cho người chăn nuôi.


Theo ông Lê Đức Thịnh, khi rủi ro xảy ra, nông dân còn phải chờ các đơn vị bảo hiểm đánh giá mức độ thiệt hại nên việc thanh toán được tiền bảo hiểm không hề đơn giản. Ví dụ, đối với cây lúa trong điều kiện sản xuất manh mún, một hộ nông dân mặc dù bị thiệt hại với loại bệnh đã tham gia bảo hiểm nhưng vẫn còn phải chờ xác định tỷ lệ thiệt hại trên quy mô 30% của toàn xã thì có thể khẳng định không bao giờ nhận được bảo hiểm. “Đó là chưa tính đến trường hợp có thể xảy ra tình huống trong quá trình đánh giá thiệt hại, có thể doanh nghiệp sẽ bắt tay với chính quyền để hạ tỉ lệ rủi ro xuống, chỉ hạ 1% thôi là toàn bộ các hộ dân trên địa bàn đó cũng không được hưởng bảo hiểm”, ông Thịnh đặt giả thiết.


Theo đánh giá của các địa phương, với những tồn tại đang bộc lộ hiện nay sau một thời gian triển khai thí điểm, nếu không sớm điều chỉnh thì việc thực hiện chính sách BHNN sẽ khó đạt được những mục tiêu đề ra.

 

Mạnh Minh

Điều chỉnh để phù hợp thực tiễn

Nguyện vọng của người nông dân đối với chính sách BHNN là được giảm mức phí và mở rộng lĩnh vực rủi ro đối với cây trồng và vật nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN