Thành phố mang tên Bác: Vững bước trên con đường phát triển

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế trong hai năm vừa qua nhưng nhờ nỗ lực vượt qua khủng hoảng, từng bước phát triển ổn định, TP.HCM vẫn tiếp tục tăng trưởng và xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Năm 2010 vượt khó


Trong giai đoạn 2008-2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế TP.HCM gặp nhiều thách thức bởi lạm phát tăng, thị trường tài chính-ngân hàng diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán và bất động sản suy giảm mạnh, giá vàng tăng cao, tỷ giá đôla biến động thất thường… Điều này đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại so với các năm trước đó: GDP năm 2008 chỉ đạt 10,7% và năm 2009 là 8,5%.

Tuy nhiên, sang đến năm 2010, kinh tế TP.HCM đã phục hồi bằng mức trước khủng hoảng tài chính. Trong năm 2010, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố ước đạt gần 420.000 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, vượt 15% so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân thành phố đề ra.


Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm 54% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 44,8% GDP, khu vực nông nghiệp chiếm 1,2% GDP.

Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà đổi mới. Ảnh: Sĩ Dũng


Bất chấp khủng hoảng kinh tế, ngành dịch vụ của TP.HCM vẫn có tốc độ tăng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành. Bốn ngành dịch vụ gồm: Tài chính-ngân hàng, du lịch, vận tải-dịch vụ-cảng-kho bãi và bưu chính viễn thông vẫn là những ngành mũi nhọn, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ đúng hướng và đúng chủ trương của TP.HCM.

Theo đó, tổng mức doanh thu du lịch đạt con số ấn tượng: 41.000 tỷ đồng, tăng 17% cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 370 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 38,7%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 25,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12%. Chỉ có kim ngạch xuất khẩu là không đạt kế hoạch khi ước đạt hơn 20 triệu USD (giảm 18% so với cùng kỳ).

Điều này, theo đánh giá, nguyên nhân là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, một số quốc gia áp dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ mậu dịch, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của thành phố nói riêng.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, kinh tế thành phố đã phục hồi và tăng trưởng khá. Các biện pháp tăng cường kiểm soát giá cả đạt nhiều kết quả, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.


Kinh tế thành phố đã phục hồi bằng với mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt xấp xỉ thời kỳ phát triển ổn định; vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch đều có mức tăng trưởng khá. Nhiều công trình hạ tầng trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Không phát triển bằng mọi giá


Tiếp bước thành công của nền kinh tế 2010, năm 2011 Đảng bộ và nhân dân TP.HCM quyết tâm đưa TP.HCM tiếp tục phát triển vững mạnh về kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của TP.HCM đã được thông qua với tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn tăng 12%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.130 USD/người; chỉ số giá tiêu dùng khống chế tăng dưới 7%...

Tuy nhiên, vấn đề cần được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan là tăng trưởng kinh tế phải luôn cân bằng với các lợi ích xã hội khác. Tăng trưởng trước hết phải tạo đời sống tốt cho người lao động, Trên thực tế, nhiều năm nay, giá cả liên tục tăng cao, đầu tư công quá cao, khoảng cách giàu nghèo gia tăng và bộ phận không nhỏ đời sống người dân đang gặp khó khăn.


Theo TS Trần Du Lịch, giai đoạn sắp tới, TP.HCM cần chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc kinh tế theo hướng đặt chất lượng tăng trưởng lên hàng đầu. TP.HCM cần phải là một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của cả nước, song song với việc đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

Về chính sách đầu tư, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng TP.HCM cần ưu tiên đầu tư khu vực công trên địa bàn trong những năm tới, trong đó chủ yếu là dành cho phát triển cơ sở hạ tầng đô thị: Giao thông công cộng, hạ tầng đô thị mới, môi trường… Việc từ bỏ chính sách “chọn ngành” và áp đặt kỷ luật thị trường lên các doanh nghiệp nhà nước sẽ cho phép tập trung nguồn lực của khu vực công vào việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Sau gần 4 năm gia nhập WTO, dù rất năng động và thu được nhiều thành tựu, nhưng TP.HCM vẫn bộc lộ những khuyết điểm. Trong đó vấn đề căn bản là hạn chế trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.


Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, thì TP.HCM đã tạo môi trường trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, đẩy nhanh tiến trình chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy nhanh tiến trình phát triển trong lĩnh vực tài chính-tín dụng, thương mại.


Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém dẫn đến chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; các chính sách, giải pháp hỗ trợ chưa đủ mạnh, chưa tạo sự đột phá, chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm, tỷ trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Bàn về các giải pháp để TP.HCM phát triển bền vững, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TW, TP.HCM đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải đáp ứng được các tiêu chí như: Liên tục, thường xuyên và lâu dài, tăng trưởng cân đối hơn giữa chiều rộng và chiều sâu; bình đẳng trong việc phát triển các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hội nhập và định hướng xuất khẩu, kết nối được nền kinh tế nước ta với kinh tế khu vực và thế giới, cải thiện vị thế của từng doanh nghiệp, từng ngành và cả nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu; kết hợp hài hòa vai trò của Nhà nước và thị trường trong phân bổ nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tại cuộc họp HĐND dịp cuối năm vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân thẳng thẳn thừa nhận nền kinh tế TP.HCM còn nhiều khiếm khuyết cần phải rút kinh nghiệm. Sự phát triển của một đô thị lớn nhất nước vẫn gặp khá nhiều thử thách.


Một trong những nội dung đáng lưu ý là UBND TP.HCM khẳng định sẽ rà soát để giảm tối đa và xóa bỏ dần quan hệ “xin cho” trong quản lý kinh tế và gấp rút giải quyết những vấn đề tồn đọng.


“Vì tăng trưởng GDP mà có phải hi sinh các vấn đề xã hội hay không chính là điều lãnh đạo TP phải cân nhắc. Tuy nhiên, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của đảng bộ TP là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền phát triển xã hội. TP.HCM xem yếu tố này là một trong những nhân tố quyết định sự ổn định phát triển” - ông Quân khẳng định.

Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN